Chăn nuôi an toàn sinh học, hướng đi hiệu quả của nhiều hợp tác xã

Thời gian gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tập trung phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học bước đầu mang lại hiệu quả, vừa giúp tăng thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

HTX Linh Ngọc, xã Cao Kỳ áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX Linh Ngọc, xã Cao Kỳ áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 40 HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó có khoảng 15 mô hình chăn nuôi do HTX quản lý được xây dựng theo quy mô trang trại, gia trại, có áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mang lại giá trị cao về kinh tế và môi trường sinh thái.

Nhiều HTX đã và đang áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ tốt cho đàn vật nuôi vừa đảm bảo môi trường, điển hình như: HTX Hà Anh (Bạch Thông); HTX Trần Phú (Na Rì); HTX Hiền Minh (TP. Bắc Kạn), HTX Linh Ngọc (Chợ Mới)... Các hợp tác xã này đã và đang áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn như không sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, tăng cường nguồn thức ăn tự nhiên, phòng bệnh bằng chế phẩm vi sinh, trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống nước tự động, qua đó vừa tiết kiệm được nhân công vừa nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hợp tác xã Linh Ngọc, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) hiện đang tập trung chăn nuôi gà với quy mô khoảng 3.000 con. Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, thời gian qua HTX đã áp dụng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc chất lượng con giống đầu vào, xây dựng chuồng trại đảm bảo đúng quy cách, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ và khu vực chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi bằng các biện pháp thích hợp, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi và chú trọng công tác tiêm phòng định kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Thuyền, thành viên HTX Linh Ngọc cho biết: Hiện hợp tác xã đầu tư chăn nuôi gà với số lượng lớn, để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, ngay từ đầu chúng tôi đã đầu tư hệ thống chuồng trại đúng quy cách, hệ thống ăn uống tự động, hệ thống xử lý chất thải, chất lượng con giống, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, vừa tiết kiệm chi phí, bảo vệ đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với quy mô nuôi 1.500 con gà, HTX Hiền Minh (TP. Bắc Kạn) thực hiện theo hình thức bán chăn thả kết hợp với áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn. Trong đó, hai tháng đầu HTX áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học, khử khuẩn, sát khuẩn chuồng trại phòng bệnh cho gà. Giai đoạn gà lớn hơn, HTX nuôi bán chăn thả, đảm bảo phần diện tích chăn thả không có tồn dư chất độc hại, nguồn nước để chăn gà phải sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo bà Trần Thị Hiền- cố vấn HTX Hiền Minh, chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như: Giảm tỷ lệ dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Hiện nay, gà thương phẩm của HTX được xuất bán tại thị trường Bắc Kạn và Hà Nội. Do đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn trong chăn nuôi nên mặc dù giá thành cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Được biết, hiện một số HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn liên kết với các hộ thành viên, các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo ATTP. Nhờ sự liên kết này, người dân không những được hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi mà còn được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Từ đó ít phải chịu những rủi ro về giá cả và dịch bệnh./.

H.T

Xem thêm