Ngân Sơn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp, giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua huyện Ngân Sơn tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật tròng cây ngô ngọt xuất khẩu cho người dân thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ngô ngọt xuất khẩu cho người dân thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực.

Huyện Ngân Sơn có diện tích đất tự nhiên gần 64.590ha, trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp, đất trồng cây lương thực toàn huyện có hơn 4.000ha và đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày gần 1.000ha. Một số cánh đồng lớn có thể sản xuất được 3 vụ như cánh đồng thị trấn Nà Phặc, cánh đồng trung tâm xã Bằng Vân, xã Hiệp Lực… Là huyện thuần nông, điều kiện đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế nên cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Để giúp người dân tiếp cận với các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong hai năm qua, huyện Ngân Sơn đã triển khai thí điểm một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: Trồng 20ha cây lê ta tại các xã Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc; trồng 100ha cây dẻ tại các xã Cốc Đán, Bằng Vân, Đức Vân; chăn nuôi lợn ta, vịt bầu cổ xanh, gà bản địa với quy mô hơn 8.000 con tại các xã Hiệp Lực, Cốc Đán, Thượng Ân, Thuần Mang; trồng hơn 200ha cây đào, hồi tại các xã phía Bắc của huyện... với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn: Phòng đã và đang tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có cơ chế khuyến khích thu hút các công ty, doanh nghiệp đến liên kết với người dân cùng thực hiện các mô hình sản xuất nông-lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, một số phòng, ban chuyên môn huyện Ngân Sơn đã chủ động phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học – Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) chuyển giao kỹ thuật áp dụng trồng một số loại cây rau, củ, quả trái vụ và nấm thương phẩm trong nhà lưới tại xã Hiệp Lực; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao kỹ thuật trồng cây ngô ngọt theo chuỗi liên kết để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thực hiện tại các xã Bằng Vân, Thuần Mang và Hiệp Lực với diện tích hơn 5ha, theo tính toán nếu làm 3 vụ một năm sẽ đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Theo ông Nông Văn Bính, Tổ trưởng tổ dân phố Nà Khoang chia sẻ: Nhờ được tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên hiện nay nhiều hộ dân trong tổ đã áp dụng và triển khai mô hình kinh tế đạt hiệu quả, tiêu biểu như các hộ ông Bế Đình Bạo, Hoàng Văn Hiên, Trương Xuân Vinh, Hoàng Văn Bộ… thực hiện mô hình trồng trọt 3 vụ/năm với cơ cấu trồng ngô, lúa, hoa màu, kết hợp thả cá, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ngân Sơn, trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp; Hội Nông dân… chủ động xây dựng các mô hình để để giúp người dân nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả vào sản xuất. Lựa chọn các giống mới năng suất, chất lượng cao, những mô hình chăn nuôi điển hình để nhân rộng. Khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tâm huyết đến đầu tư, cùng người dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất mang tính lâu dài, bền vững./.

Văn Lạ

Xem thêm