Những khó khăn trong phát triển dong riềng và sản phẩm miến dong Bắc Kạn

Dong riềng là cây thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn, là nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra sản phẩm miến dong, được tiêu thụ khá lớn trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tiếp tục phát triển dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020 - 2025, tuy nhiên quá trình thực hiện đang gặp không ít khó khăn.

Những khó khăn trong phát triển dong riềng và sản phẩm miến dong Bắc Kạn ảnh 1
Cánh đồng dong riềng ở xã Mỹ Thanh (Bạch Thông).

Cây dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân tỉnh Bắc Kạn trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện: Na Rì, Ba Bể, một số ít diện tích tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới. Cây dong riềng được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang trồng hai giống dong riềng chính. Giống địa phương chiếm khoảng 5% diện tích, sản lượng thấp nhưng củ dong có tỷ lệ tinh bột cao, chất lượng miến tốt; giống DR1 chiếm 95% diện tích, là giống cao sản có năng suất cao, tỷ lệ bột thấp hơn so với dong riềng địa phương.

Toàn tỉnh có 25 cơ sở chế biến bột dong và miến dong, trong đó có 16 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến, 08 cơ sở chuyên sản xuất miến, 01 cơ sở chuyên sản xuất tinh bột. Chỉ có 02 cơ sở chế biến là Cơ sở miến dong Nhất Thiện (500 tấn/năm) và Hợp tác xã Tài Hoan (250 tấn/năm) là hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Các cơ sở còn lại đều chỉ đạt sản lượng dưới 100 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 09 sản phẩm miến dong được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia (5 sao). Chất lượng sản phẩm miến được nâng cao, giảm tỷ lệ hư hỏng, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), mở rộng thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Để đẩy mạnh phát triển dong riềng, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025, hằng năm trồng ổn định 800 - 1.000ha, sản lượng đạt khoảng 59.000 tấn. Toàn bộ củ tươi chế thành tinh bột sẽ đạt 8.000 tấn tinh bột, sản xuất thành miến sẽ đạt 4.800 tấn miến thành phẩm. Diện tích đạt các tiêu chuẩn về ATTP là 800ha và có nhãn mác bao bì sản phẩm miến dong. Trong đó, diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ là 240ha và truy xuất được nguồn gốc...

Tuy nhiên quá trình thực hiện đang gặp một số khó khăn, diện tích trồng dong liên tục giảm. Năm 2020, toàn tỉnh trồng được 494ha; năm 2021 là 465ha, sản lượng miến sản xuất đạt 2.585 tấn, đạt 53,85% so với mục tiêu đề ra giai đoạn; năm 2022, trồng được 445ha, sản lượng miến dự kiến sản xuất là 2.536 tấn (thấp hơn năm 2021), chỉ đạt 52,83% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.

Các địa phương có truyền thống về trồng dong, sản xuất miến như Na Rì, Ba Bể đều liên tục giảm diện tích. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo huyện Na Rì, Ba Bể đánh giá là do một số diện tích đất trồng dong riềng nhiều năm liên tục nên năng suất giảm dần, vì vậy người dân đã chuyển sang luân canh trồng loại khác; giá phân bón tăng cao, chi phí công lao động thấp trong khi đó giá thu mua củ dong không tăng; thiếu lao động nông nghiệp do chuyển sang các ngành khác có thu nhập cao hơn…

Những khó khăn trong phát triển dong riềng và sản phẩm miến dong Bắc Kạn ảnh 2
Hoạt động sản xuất ở Cơ sở miến dong Nhất Thiện (Ba Bể).

Hoạt động sản xuất miến cũng giảm vì các cơ sở nhỏ lẻ thiếu và yếu về tài chính; cơ sở sản xuất, chế biến thô sơ. Một số cơ sở chế biến miến dong lớn trên địa bàn huyện Ba Bể chưa quan tâm đầu tư hạ tầng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường dẫn đến việc chế biến thiếu tính bền vững. Năng lực của các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về công nghệ thông tin và nguồn nhân lực có trình độ; chưa chủ động trong việc liên doanh, liên kết để tối ưu hóa trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, mặc dù chưa đạt diện tích trồng dong theo kế hoạch nhưng hằng năm lượng tinh bột dong riềng vẫn phải bán ra thị trường ngoài tỉnh lên tới hơn 5.000 tấn.

Để khắc phục hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển dong riềng, miến dong, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng giải pháp khôi phục vùng trồng dong riềng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất dong riềng và chế biến miến dong của tỉnh đến các tổ chức, cá nhân sản xuất dong riềng và chế biến miến dong; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chế biến miến dong. Đồng thời, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức HTX, doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, liên kết sản xuất liên theo chuỗi để hình thành vùng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Chủ động hỗ trợ tạo mặt bằng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà xưởng như tạo điều kiện về sắp xếp bố trí dân cư, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất (thời gian từ 30 - 50 năm). Ngoài ra, tỉnh cần đưa các chính sách tín dụng của Trung ương, của tỉnh, của huyện đến tay các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch phát triển cây dong riềng.

Những khó khăn trong trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dong riềng của tỉnh rất cần được các cấp, ngành tập trung khắc phục nhằm góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Phan Quý

Xem thêm