Sáng tạo trong phát triển kinh tế của thanh niên Đường Ngọc Cảnh

Khi bạn bè cùng trang lứa đi làm công nhân để có thu nhập thì anh Đường Ngọc Cảnh, thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) lại lựa chọn hướng đi riêng bằng cách khai thác lợi thế đất đai sẵn có của gia đình từng bước xây dựng mô hình sản xuất khép kín.

Năm 2016, thông qua việc tìm tòi, học tập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, anh Đường Ngọc Cảnh mạnh dạn lựa chọn nuôi giun quế cho bước đầu khởi nghiệp, tuy cách làm này khá mới mẻ tại địa phương. Anh xuống Thái Nguyên mua 30kg giống giun quế sinh khối với giá 20.000 đồng/kg về nuôi trên diện tích 3m2. Sau hơn một tháng tự nhân rộng đến nay mô hình duy trì trên diện tích 100m2, nuôi theo hình thức gối vụ nên thường xuyên có giun giống, phân giun xuất bán. Có thời điểm anh xuất bán trên 1 tấn/tháng, giá bán 15.000 đồng/kg, chưa kể phân giun quế được các nhà vườn ưu dùng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh.

Anh cho biết: "Tôi tham khảo quy trình, kỹ thuật nuôi giun quế qua tài liệu, sách báo, trên internet; tận dụng những phụ phẩm, phế phẩm như rơm rạ, phân trâu, bò, gia cầm nhưng qua chế độ ủ. Do giun rất sợ ánh sáng nên phải che chắn chuồng thật kỹ, trên luống có mái che. Nhờ đặc tính phân hủy chất thải tốt nên nuôi giun quế là một trong các giải pháp hữu hiệu để điều hòa dinh dưỡng làm tơi xốp đất. Đồng thời, mang lại nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá và gia cầm. Việc chủ động được vòng khép kín, tận dụng được nguồn thức ăn, chi phí rẻ".

Anh Cảnh tự ươm giống sim để trồng.
Anh Cảnh tự ươm giống sim để trồng.

Khi việc nuôi giun quế đi vào ổn định, anh tiếp tục mở rộng thêm nhiều loại hình kinh tế khác bằng phát huy quỹ đất sẵn có tại gia đình. Sau nhiều lần tham quan, học tập các mô hình trong tỉnh, anh Cảnh mạnh dạn trồng cây sim rừng. Vốn là cây dại nhưng được thị trường ưa chuộng bởi hoa sim đẹp, quả sim có nhiều tác dụng và đặc biệt cây sim có khả năng chịu hạn rất phù hợp với diện tích đất đồi của gia đình. Từ năm 2020, anh tìm cây sim nhỏ trên rừng đem về trồng và lấy hạt tự ươm cây con, mở rộng diện tích. Hiện, anh đã trồng được trên 2.000 cây lớn, nhỏ trên diện tích hơn 3.000m2. Cây sinh trưởng, phát triển tốt. Từ năm 2021 nhiều cây đã bói quả cho thu với sản lượng hơn 2 tạ, giá bán 30.000 đồng/kg, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách đặt mua.

Anh Cảnh chia sẻ: "Sim là loại cây dại sống ở đất cằn cỗi, chịu được thời tiết khắc nghiệt và thích hợp trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Đặc điểm của sim là trồng càng lâu thì cành phát triển, cho quả nhiều hơn. Khác với ngoài tự nhiên, cây sim trồng được chăm sóc, phát quang cỏ dại, bón thêm phân nên phát triển nhanh, quả sai và mọng ngọt. Hiện vườn sim có nhiều cây có chiều cao gần 2m, tỏa tán rộng. Dự kiến sản lượng quả năm nay sẽ tăng gấp đôi năm ngoái, thời gian thu hái quả sim vào giữa tháng 8. Về lâu dài, cây sim phát triển to, cao và nhiều nhánh có thể làm cây cảnh, giá trị kinh tế khá lớn".

Thị trường đối với cây sim, quả sim còn rất lớn bởi quả sim có thể dùng làm siro, bột sim… cây sim làm cây cảnh. Vì vậy, với quỹ đất đồi của gia đình còn có thể mở rộng nên anh Cảnh tự nhân giống để trồng. Trong những tháng đầu năm 2022, anh Cảnh trồng thêm gần 1.000 cây sim. Đồng thời, nhân giống để bán cho khách có nhu cầu. Ngoài tiếp tục mở rộng diện tích, anh Cảnh còn lên ý tưởng sẽ xây dựng thành khu du lịch trải nghiệm cho du khách đến tham quan, chụp ảnh hoa sim hay hái sim chín.

Anh Cảnh cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi giun quế, ươm cây giống… cho thanh niên trên địa bàn khi có nhu cầu tìm hiểu, tham quan mô hình. Mô hình phát triển kinh tế của anh Cảnh tuy còn khá mới nhưng đã có thành công bước đầu, đây cũng là một hướng đi có triển vọng thành sản phẩm hàng hóa để các ngành chức năng nghiên cứu, nhân rộng trên những vùng đất cằn cỗi trên địa bàn./.

Hà Nhung

Xem thêm