Doanh nghiệp chồng chất khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao

Tại kỳ điều hành mới nhất vào ngày 21/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92, giá xăng RON 95, dầu Diesel đều trên ngưỡng 30.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá các mặt hàng khác tăng theo, đặc biệt là cước vận tải, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Bắc Kạn.

Một công trình cầu như thế này, tất cả vật liệu chính đều phải vận chuyển bằng đường bộ
Công trình thi công cầu Đội Kỳ (thành phố Bắc Kạn).

Bắc Kạn là một trong những tỉnh chỉ có một loại hình duy nhất để vận tải hàng hóa, đó là vận tải đường bộ. Đây là loại hình vận tải chuyên chở với số lượng nhỏ, mỗi phương tiện vận tải thông thường khoảng từ 10 đến dưới 40 tấn, trong khi nhu cầu thị trường trong tỉnh không hề nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp Bắc Kạn đều phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Đây đang là nút thắt khiến nhiều doanh nghiệp đang phải đặt ra các phương án sản xuất và kinh doanh.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Nam chia sẻ: Gần 100 hội viên thì cũng từng đó HTX, doanh nghiệp đều phụ thuộc vào xăng, dầu, phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Nhóm mặt hàng đang bị vận tải chi phối khá lớn đó là lâm sản. Toàn tỉnh có hàng trăm nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sản lượng khai thác rất lớn, chí phí tăng sẽ cộng vào giá thành sản phẩm.

Tiêu thụ sản phẩm nông sản đã khó, nay cõng thêm phí vận tải tăng theo giá nhiên liệu, việc tiêu thụ cũng giảm theo. Doanh nghiệp đang rất khó khăn bởi các mặt hàng đều bị cước vận tải chi phối. Anh Trịnh Văn Tuân- Giám đốc Công ty TNHH Xuất xhập khẩu Vinacom Việt Nam, có nhà máy tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông chia sẻ: Chi phí vận tải đang tăng cao, trong đó nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng liên tục. Là đơn vị chế biến gỗ nên chi phí vận chuyển của chúng tôi rất lớn, từ trong rừng sâu, để vận chuyển được gỗ đến nhà máy, phải dùng xe tải nhỏ hai cầu, chuyển gỗ từ vùng nguyên liệu đến nhà máy. Xe nhỏ đường khó đã làm cho giá sản phẩm tăng, cộng với phí thuê container, thuê bốc dỡ... tốn kém, khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn chồng chất. 

Chị Lê Kim Cương- Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết. Hiệp hội doanh nghiệp có 87 hội viên (trong đó hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - XDCB: 29; Thương mại - dịch vụ - Du lịch: 49; Lĩnh vực nông nghiệp, HTX: 09). Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, doanh nghiệp đang gặp khó vì giá sắt, thép, xi măng, cát, sỏi, xăng dầu, nguyên liệu chính để thi công và sản xuất, giá dầu tăng cao, nhiều dự án có nguy cơ phải bù lỗ. Nếu không thi công thì chậm tiến độ, mà thi công thì nhiều dự án sẽ lỗ nếu không được điều chỉnh giá. Đối với các dự án đường giao thông, doanh nghiệp chủ yếu dùng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đều dùng xăng, dầu, dẫn đến tăng chi phí sản xuất.

Hoạt động của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, khai khoáng... cũng gặp nhiều khó khăn, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đạt thấp, dẫn đến tình trạng nợ thuế, nợ bảo hiểm và các khoản vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp vận tải, san lấp mặt bằng không dám ký hợp đồng với đối tác, vì giá nhiên liệu tăng liên tục.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù môi trường kinh doanh cạnh tranh với nền kinh tế tuy từng bước được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, phát triển thị trường còn khó khăn; phát triển hỗ trợ công nghiệp còn chậm, tiềm năng du lịch chưa phát huy, việc đổi mới khoa học công nghệ vào sản xuất, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hiệu quả sử dụng đất đai phục vụ cho thương mại doanh nghiệp chưa cân xứng...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiêp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành, đơn vị địa phương để nâng cao chỉ số DDCI của tỉnh. Tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Nâng cao vai trò tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những hoạt động như: Tư vấn về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; về các nhu cầu vốn, lập kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh khả thi, tư vấn pháp lý, thuế... Tập hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp phát triển./.

Trần Tuyến

Xem thêm