Nông dân khởi nghiệp từ nuôi ngựa bạch

Nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao được xem là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, giúp nhiều hộ dân huyện Na Rì thoát nghèo.

Ông Nông Minh Châu, thôn Nà Làng, xã Lương Thượng cho biết: “Nuôi ngựa bạch vừa dễ, phù hợp với đất rừng lại có thu nhập cao, dễ bán nên gia đình tôi đã mua ngựa bạch cái về nuôi sinh sản. Nhờ nuôi ngựa bạch mà gia đình đã có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống, có tiền sửa sang nhà cửa và cho con cái đi học:".

Theo ông Châu, một con ngựa bạch tốt và chuẩn là con ngựa có mắt thau đồng, móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen… Gia đình vừa chọn được con giống hơn 40 triệu đồng, sau hơn 2 tháng mua về nay sắp được lứa con đầu.

Ông Nông Minh Châu, thôn Nà Làng, xã Lương Thượng chăm sóc ngựa giống chuẩn bị sinh lứa đầu.
Ông Nông Minh Châu, thôn Nà Làng, xã Lương Thượng chăm sóc ngựa giống chuẩn bị sinh lứa đầu.

Ông Triệu Đức Tôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: “Nhận thấy phát triển chăn nuôi ngựa bạch phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và cho thu nhập cao, nhiều hộ trong xã những năm gần đây đã học tập nhau nhân rộng mô hình này. Toàn xã hiện có khoảng hơn 200 con ngựa bạch, phát triển mạnh ở các thôn: Phiêng Cuôn, Nà Khon, Nà Kèn… Nuôi ngựa bạch đã giúp nhiều hộ ở địa phương thoát nghèo bền vững”.

Bà Vương Thị Hằng, Trưởng thôn Thôm Bả, xã Văn Vũ cho biết: “Hai năm gần đây, nhiều hộ dân trong thôn bắt đầu học tập nuôi ngựa, đến nay toàn thôn đã phát triển được gần 100 con. Để phát triển đàn ngựa bền vững, các hộ dân tích cực trồng cỏ với diện tích hàng nghìn mét vuông tạo nguồn thức ăn. Toàn thôn có 29 hộ dân, hộ nghèo còn 24 hộ, với hướng đi này, hy vọng 1 - 2 năm tới Thôm Bả sẽ có sự khởi sắc”.

Ở xã Kim Lư cũng có nhiều hộ chuyển từ nuôi lợn, trâu sang nuôi ngựa bạch. Ông Hoàng Đại Minh ở thôn Hát Luông đã áp dụng theo cách nuôi thả trong vườn cây ăn quả của gia đình. Ông Minh cho biết, chỉ còn hai ông bà ở nhà, tuổi cũng cao nên chuyển sang nuôi ngựa bạch không tốn nhiều công chăm sóc nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Minh thường xuyên có 5 - 6 con ngựa bạch thả trong vườn. Thỉnh thoảng mới cắt cỏ cho ăn thêm.

Theo các hộ dân nuôi ngựa bạch ở xã Sơn Thành, giống ngựa bạch ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ và bổ sung thức ăn tinh. Quy trình chăn nuôi cũng đơn giản mà lại cho thu nhập cao và không lo về thị trường tiêu thụ. Ngựa bạch là giống quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh. Giá của một con ngựa bạch giống bình thường dao động từ 20 - 25 triệu đồng, tùy độ tuổi của mỗi con. Đối với ngựa trưởng thành có thể bán với giá khoảng 50 - 70 triệu đồng/con. Cao ngựa bạch trên thị trường có giá hàng triệu đồng/lạng.

Phát triển đàn ngựa bạch là hướng đi phù hợp với những địa phương có đồng cỏ tự nhiên, có diện tích đất để trồng cỏ, giúp người dân giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Để đẩy mạnh hướng đi này, cấp ngành chức năng của huyện cần quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn giống; tạo điều kiện để người dân vay vốn, tìm đầu ra ổn định và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch cho người dân. Có như vậy mới đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững./.

Tùng Vân