Những thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm

Khi phong trào khởi nghiệp trở thành “ngọn đèn” soi đường cho các bạn trẻ thì ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm đã giúp cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số chạm tay đến thành công. Họ không những trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn là động lực cho nhiều thanh niên khác tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Theo lời giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Phúc Lộc (Ba Bể), từ trung tâm xã chúng tôi vượt qua con đường dài khoảng 15km với nhiều dốc đá, ổ trâu, ổ gà để đến được nhà anh Đặng Phụ Phin, dân tộc Dao, thanh niên  tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở thôn Phiêng Chỉ. Đến đây chúng tôi mới thấy được hết sự nỗ lực vươn lên của anh Phin và gia đình quả đáng khâm phục biết nhường nào. Không cam chịu đói, nghèo, anh đã tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ chăn nuôi anh Đặng Phụ Phin đã từng bước thoát nghèo.
Nhờ chăn nuôi gia đình anh Đặng Phụ Phin đã từng bước thoát nghèo.

Nhận thấy thôn có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc do có bãi chăn thả rộng, năm 2009, anh Phin đã bàn với gia đình phát triển đàn vật nuôi với 17 con trâu và trên 40 con bò. Đến năm 2015, khi tách khẩu ra ở riêng, gia đình nhỏ của anh vẫn tiếp tục mô hình chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2019, anh mua thêm ngựa để nuôi. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phin có 5 con trâu, 9 con ngựa, trong đó có 7 con ngựa sinh sản, gia đình anh kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ bán ngựa con. Mặc dù ở đây có bãi chăn thả rộng nhưng gia đình anh vẫn trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò nuôi nhốt, nhất là vào mùa đông thời tiết giá rét, các bãi cỏ khô cằn.

Quyết tâm thoát nghèo, anh Phin luôn tìm tòi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Thấy bà con Phia Đén, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trồng dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, gia đình anh cũng đưa vào trồng thử nghiệm, đồng thời đầu tư máy sơ chế tinh bột dong riềng tại thôn Phiêng Chỉ. Năm 2021, anh mua thêm 3 thửa ruộng bậc thang để trồng dong riềng. Với 2ha dong riềng được trồng trong năm nay, anh dự kiến thu được khoảng 12 tấn tinh bột ướt.

Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng dong riềng, gia đình anh Phin còn góp vốn mua máy xúc cho thuê để có thêm thu nhập. Theo tính toán của anh Phin, gia đình anh thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng từ trồng dong riềng, cho thuê máy xúc và chăn nuôi đại gia súc. Đây là nguồn thu lớn không dễ có được đối với những người nông dân, nhất là tại vùng đất khó khăn như Phiêng Chỉ. Anh Đặng Phụ Phin chia sẻ: Để có được mô hình kinh tế phát triển như hôm nay, tôi đã tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, được Đoàn xã tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả khác. Do vậy, tôi đã có hướng đi đúng, cùng gia đình vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp THPT anh Mã Văn Thuần ở thôn Cốc Lải, xã Cao Tân (Pác Nặm) không tiếp tục đi học mà ở nhà phụ giúp gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2016, anh Thuần quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư vào chuồng trại, coi đó là hướng đi để phát triển kinh tế gia đình.

Trong năm 2021, tổng doanh thu của HTX Văn Thuần được hơn 560 triệu đồng.
Trong năm 2021, tổng doanh thu của HTX Văn Thuần đạt trên 560 triệu đồng.

Xác định rõ tầm quan trọng của chuồng trại và con giống, anh Thuần đã mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng cùng với hơn 100 triệu đồng tiền vốn tích lũy được để đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích hơn 100m2; mua 30 con lợn giống, 20 con lợn nái. Chỉ sau đó 1 năm, đàn lợn của anh Thuần đã tăng số lượng lên hơn 100 con.

Anh chia sẻ: Chăn nuôi lợn gặp khá nhiều rủi ro bởi dịch bệnh thất thường, tuy nhiên nếu chú trọng vào vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, đồng thời chịu khó quan sát biểu hiện bệnh của đàn lợn thì sẽ kịp thời phòng tránh cũng như chữa được bệnh cho chúng. Chính nhờ những kinh nghiệm này mà trong nhiều năm nuôi lợn, việc chăn nuôi của gia đình anh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tổng đàn không ngừng tăng lên. Đến nay, mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của anh Mã Văn Thuần đã được mở rộng với quy mô diện tích chuồng trại lên đến gần 1.000m2, tổng đàn duy trì thường xuyên hơn 200 con lợn thịt, 30 con lợn nái, để cung ứng lợn giống cho người dân địa phương.

Sẵn có kiến thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế, cùng với mong muốn sản phẩm thịt lợn cũng như các nông sản khác không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn được công nhận về nguồn gốc, anh Thuần đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) phát triển nông nghiệp Văn Thuần. HTX được thành lập từ cuối năm 2019, với 8 thành viên, đều là những thanh niên có chí làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, HTX có hơn 1.000m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, luôn duy trì trên 200 lợn thịt; 1ha diện tích nuôi thả thủy sản; 1ha trồng rau màu. Trong năm 2021, tổng doanh thu của HTX đạt trên 560 triệu đồng.

Với vai trò là chủ nhiệm HTX, anh Thuần cùng các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, thay đổi phương pháp sản xuất, từ manh mún nhỏ lẻ chuyển hướng sang liên kết, hỗ trợ nhau áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, với sự quyết tâm không ngại khó ngại khổ như anh Phin, anh Thuần đã khẳng định được tinh thần dám nghĩ – dám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ. 

Tiếp lửa cho thanh niên khởi nghiệp

Bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã có những bước đi vững chắc hơn, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 405 mô hình kinh tế thanh niên, trong đó có 02 Liên hiệp HTX, 60 HTX, 41 tổ hợp tác (THT), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với các ngành nghề chính như chăn nuôi lợn, gà, vỗ béo trâu bò, nuôi cá, trồng cây dược liệu... Trên 90% mô hình, THT, HTX thanh niên hoạt động trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều mô hình có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết nhiều việc làm cho thanh niên địa phương.

Các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp
Các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp.

Những năm qua, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tập trung hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, với những việc làm cụ thể, như: Hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng dự án... Từ những việc làm cụ thể trên cùng với sức trẻ, khát khao khởi nghiệp, thanh niên dân tộc thiểu số đã thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của những thanh niên vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, chưa có sự liên kết... nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên với quyết tâm "không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững”…/.

Huyền Thương