Trồng cây củ kiệu trên đất ngô một vụ, nông dân Vũ Muộn có thu nhập khá

Tuy thời gian sinh trưởng lâu, mất nhiều công chăm sóc, nhưng cây củ kiệu đưa vào trồng thử nghiệm trên đất ngô một vụ ở xã Vũ Muộn (Bạch Thông) cho thu nhập khá, mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp nơi đây.

Người dân thôn Lủng Siên sơ chế củ kiệu trước khi bán.
Người dân thôn Lủng Siên sơ chế củ kiệu trước khi bán.

Những ngày đầu tháng 6, mặc dù thời tiết khá nóng nực nhưng người dân xã Vũ Muộn vẫn hăng say trên các thửa ruộng để thu hoạch cây củ kiệu. Thứ cây giống củ hành, vừa cay, vừa thơm này trồng từ tháng 10 năm trước đến nay mới được thu hoạch. Trùng với thời điểm cây nguyên liệu thuốc lá vào vụ nên không ít nông hộ ở Vũ Muộn tất bật, thậm chí phải mượn thêm nhiều nhân lực mới kịp mùa vụ.

Chị Hoàng Thị Thắm, người dân thôn Lủng Siên, xã Vũ Muộn cho biết: “Gia đình tôi có hơn 4.000m2 ruộng, nương, một nửa trồng cây nguyên liệu thuốc lá, nửa còn lại tham gia dự án trồng cây củ kiệu theo chuỗi liên kết sản xuất. Lúc đầu thấy thời gian sinh trưởng của cây kéo dài, tốn nhiều công chăm sóc nên tôi hơi sốt ruột, nhưng khi thu hoạch được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua thì mừng lắm. Bà con hàng xóm cũng đến giúp đỡ chứ riêng vợ chồng tôi không thể cùng lúc thu cây nguyên liệu thuốc lá và cây củ kiệu”.

Cách nhà chị Thắm không xa, ông Lương Văn Cáo huy động mọi thành viên trong gia đình và nhờ sự hỗ trợ của bà con tập trung thu hoạch, sơ chế cây củ kiệu để bán cho doanh nghiệp. Ông cho biết: "Vào mùa đông nhiệt độ ở Vũ Muộn xuống rất thấp nên đất ruộng gần như bỏ hoang, trong khi đó đời sống của đa số người dân còn khó khăn. Tháng 10/2020, biết tin sẽ triển khai dự án trồng cây củ kiệu theo phương thức liên kết trong sản xuất, bà con trong thôn ai cũng vui. Dù nghe tên loại cây trồng này khá lạ nhưng được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể, thường xuyên nên bà con cũng yên tâm. Củ kiệu trồng để xuất bán sang Nhật nên mọi quy trình kỹ thuật, từ trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, gia đình tôi không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, làm cỏ hoàn toàn bằng thủ công. Cái hay là loại cây trồng này gần như không có sâu bệnh gây hại. Ngoài phân bón hóa học, gia đình còn sử dụng phân bón hữu cơ được cấp theo dự án để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo điều kiện cho cây củ kiệu phát triển. Với năng suất khoảng 1,5 tấn/1.000m2, giá bán 8.000 đồng/kg, vụ này gia đình tôi thu được hơn 10 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng ngô".

Dự án trồng cây củ kiệu theo chuỗi giá trị được thực hiện tại các xã Quân Hà, Sỹ Bình, Vũ Muộn (Bạch Thông) với 50 hộ đăng ký tham gia, riêng xã Vũ Muộn có 39 hộ thực hiện. Tham gia dự án, người dân được cấp 7,5 tấn giống, 40 tấn phân chuồng, trên 2,6 tấn phân đạm, lân, kali, gần 1,9 tấn vôi bột… Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 375 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020, trong đó người dân đối ứng gần 80 triệu đồng.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình, huyện Bạch Thông đã chỉ đạo các xã lựa chọn các hộ có nhu cầu, điều kiện đất đai phù hợp để thực hiện. Phân công cán bộ chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Để bảo đảm đầu ra cho củ kiệu, huyện ký kết với doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường.

Đồng chí Đàm Thị Hành- Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn đánh giá: "Dù mới vụ đầu đưa vào sản xuất nhưng có thể thấy cây củ kiệu hợp với khí hậu lạnh và thổ nhưỡng của Vũ Muộn. Diện tích trồng cây củ kiệu được thực hiện chủ yếu trên đất bỏ trống vụ đông, diện tích trồng ngô một vụ năng suất thấp. Như vậy, cây củ kiệu góp phần giải bài toán nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do năm đầu thực hiện nên năng suất chưa thực sự cao, trung bình đạt khoảng 1,3 – 1,5kg/m2, nếu tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật có thể đạt 2kg/m2. Cuối vụ, chúng tôi sẽ đánh giá tổng thể, rút kinh nghiệm cho vụ sau, tạo hướng đi mới cho sản xuất vụ đông"./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm