Khi người dân cùng bàn, cùng làm trong xây dựng nông thôn mới

Dự án "Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng", giai đoạn 1 được thực hiện tại huyện Bạch Thông, nội dung chủ yếu là quản lý cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, giao cho người dân làm chủ và quyền tự quyết. Khởi động từ tháng 10, đến nay Dự án đã bắt tay vào thực hiện các công trình, được làm chủ, được trao quyền tự quyết, người dân tràn đầy phấn khởi.

Người dân thôn Nà Phát, xã Tân Tú tự thi công kênh mương.
Người dân thôn Nà Phát, xã Tân Tú thi công kênh mương.

Được hỗ trợ 150 triệu đồng từ Dự án "Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng", thôn Ngoàn (xã Nguyên Phúc) đã bàn bạc và quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nhằm cải thiện điều kiện đi lại, vận chuyển nông lâm sản cho bà con và cánh đồng Nà Lẹng. Lần đầu tiên thôn được trao quyền tự lựa chọn, lập kế hoạch dự toán, tự triển khai xây dựng, nên nhóm nòng cốt, đặc biệt là Trưởng thôn Đinh Thị Sinh không khỏi lo lắng. Thế nhưng được sự giúp đỡ của Dự án, của chính quyền xã và tham khảo, học hỏi từ những người chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bà Sinh cùng nhóm nòng cốt và người dân trong thôn đã bắt tay vào xây dựng đường bê tông dài 300m.

Bà Đinh Thị Sinh- Trưởng thôn Ngoàn chia sẻ: “Bà con rất phấn khởi, hào hứng tham gia, nhà nào cũng 2 - 3 người giúp làm. Mong muốn sẽ có nhiều con đường như thế này để người dân làm và cùng hưởng lợi”.

Cũng là lần đầu tiên tự quyết định một công trình do thôn được giao quyền tự quyết, ông Bế Xuân Thắng- Trưởng thôn Nà Phát (xã Tân Tú) có đôi chút lo lắng nhưng vẫn tin tưởng vào thành công của Dự án. Ngay từ khi được triển khai Dự án, được tập huấn và hướng dẫn thực hiện, ông Thắng cùng nhóm nòng cốt đã nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn những công trình ưu tiên và cấp thiết. Công trình kênh mương và kè chống sạt lở thôn Nà Phát dài gần 600m đã được Nhân dân đồng lòng xây dựng. Mỗi người nông dân lại trở thành một "kỹ sư", cùng nghiên cứu, cùng xây dựng và nghiệm thu công trình. Nhờ đó, chất lượng công trình luôn có sự giám sát và thực hiện của toàn thể bà con.

Năm nay, huyện Bạch Thông có 10 thôn được hỗ trợ thực hiện Dự án với tổng số vốn 1,5 tỷ đồng. Bà con nhân dân đóng góp ngày công, hiện vật quy ra tiền hơn 500 triệu đồng. Với cốt lõi là tiếp cận quản lý cộng đồng, hướng tới sự phát triển nông thôn bền vững nhờ khả năng tự quản và trách nhiệm xã hội sẽ nâng cao năng lực quản lý, làm chủ của người dân.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tập trung phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập của người dân, đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, các công trình phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Những kết quả đạt được từ Dự án "Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng" là tiền đề và động lực để huyện Bạch Thông thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương còn khó khăn./.

X.N

Xem thêm