Bạch Thông hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thời gian qua, huyện Bạch Thông đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tạo điều kiện để các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cơ sở sản xuất xây dựng các sản phẩm OCOP.

Bạch Thông hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP ảnh 1

Tham gia Chương trình OCOP giúp HTX Thiên An, xã Vi Hương phát triển tốt hơn.

Cao gắm Bảo An của HTX Đức Mai, xã Quân Hà đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ban đầu, đây chỉ là một sản phẩm đơn thuần của HTX được bán đại trà, chưa có thương hiệu. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành, sản phẩm này đã được hoàn thiện tem nhãn, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Bà Mai Thị Thảo- Giám đốc HTX Đức Mai cho biết: “Ban đầu sản phẩm của HTX chưa có tem, nhãn mác, chỉ đựng trong lọ đơn giản. Nhưng sau đó các cơ quan chuyên môn đến kiểm tra và thấy hiệu quả, khuyến khích HTX đem sản phẩm đi kiểm nghiệm và làm một số quy trình, thủ tục để tham gia Chương trình OCOP. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, giá trị kinh tế, thương hiệu cao gắm của HTX tăng lên đáng kể, thu nhập của các thành viên HTX cũng được cải thiện hơn”.

Huyện Bạch Thông hiện có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Riêng năm 2020, cả 5 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện đều đạt 3 sao. Thời gian qua, các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đối với xã chưa có sản phẩm OCOP, hiện cũng phấn đấu có ít nhất một sản phẩm.

Năm 2019, huyện Bạch Thông thực hiện hỗ trợ tem, nhãn mác sản phẩm, hỗ trợ nhà xưởng cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP như: HTX Thiên An, HTX Hương Ngàn, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang, Tổ hợp tác Bảo Thiên, với tổng kinh phí 99 triệu đồng. Năm 2020, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm. Năm 2021, huyện Bạch Thông có 26 sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP và được đánh giá tương đối tốt khi xây dựng đầy đủ câu chuyện sản phẩm, xây dựng được quy mô vùng nguyên liệu cũng như phương án bảo vệ môi trường, gồm: Cam sành của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến; cùi bưởi rừng sấy khô và nước quýt ép lên men của HTX Hương Ngàn; đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, trà túi lọc đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo sấy khô, mộc nhĩ nguyên tai, linh chi thái lát, nấm hương của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang; gà lá mía vi sinh HTX Bản Luông; gừng thái lát và mứt gừng của HTX Lâm Dược Sơn; chè bản Dao của Tổ hợp tác chè Bản Dao; trà Phiêng An của Tổ hợp tác Phiêng An; trà thanh hương của Tổ hợp tác thôn Nà Lìu; siro chanh leo của HTX Tiến Thành; thảo dược ngâm chân Thiên An và gối thảo dược của HTX Thiên An; giảo cổ lam và trà Forestea của HTX nông sản công nghệ cao BK Food.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục vận động các HTX, tổ hợp tác đăng ký sản phẩm và đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ về mọi mặt để các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ tại nhiều thị trường tiềm năng để thúc đẩy sản xuất. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai chương trình và các tổ chức kinh tế trong quá trình phát triển.../.

X.N

Xem thêm