Chương trình OCOP khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm địa phương

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của các địa phương để phát triển kinh tế. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã có những kết quả bước đầu. Nhiều địa phương đã phát triển các sản phẩm đặc sản gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm
Sản phẩm Tinh nghệ Bắc Kạn của Công ty CP Nông sản Bắc Kạn đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Chương trình OCOP nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất. Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020 triển khai thành công với 131 sản phẩm (01 sản phẩm 5 sao; 12 sản phẩm 4 sao; 118 sản phẩm 3 sao). Tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP đã xuất khẩu ra thị trường châu Âu. Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn đầu tư nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện các sản phẩm OCOP. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 2 sản phẩm 5 sao OCOP quốc gia; 2 sản phẩm du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển 50 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Bắc Kạn như miến dong, nghệ, dược liệu, tinh dầu cam, quýt, gạo đặc sản…, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước vận động, thành lập Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh. Cách làm của Bắc Kạn được rất nhiều tỉnh, thành phố khác tới nghiên cứu, học tập. 

Thực tế, nhờ làm OCOP mà tỉnh Bắc Kạn xây dựng được phong trào sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Việc tham gia Chương trình đã tạo ra nguồn thu nhập cao hơn cho người dân. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 473 lao động tại khu vực nông thôn. Nhờ Chương trình OCOP, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt gần 2,5%/năm; các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều nhờ vào động lực từ các sản phẩm OCOP, phần lớn hoàn thành tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất ở mức độ tương đối khá. 

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Khi triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), được sự quan tâm và vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng sự ủng hộ của Nhân dân, tỉnh Bắc Kạn đã có những thành công bước đầu với những sản phẩm OCOP được thị trường chấp nhận. Bên cạnh những sản phẩm được công nhận và phát triển tốt như miến dong, các sản phẩm từ nghệ..., còn các sản phẩm từ rau quả, như bí xanh thơm cũng đã vào được các siêu thị lớn; gạo Bao thai Chợ Đồn cũng có hướng phát triển tốt. Thời gian tới tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, thành phố thực hiện tốt Chương trình OCOP nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và triển khai tại tỉnh; thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Bắc Kạn xác định đề án OCOP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, UBND thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn, sở, ngành. Theo đó, tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền; thành lập hệ thống chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại…; khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng; ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống; công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm như tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc…/.

Bích Ngọc

Xem thêm