Duy trì giống gạo nếp Khẩu Nua Pái ở Lương Bằng

Khẩu Nua Pái ở xã Lương Bằng (Chợ Đồn) được biết đến là giống gạo nếp địa phương có đặc điểm thơm, ngon, dẻo, màu sắc của hạt thóc khi chín có màu đỏ thẫm như quả vải nên người dân còn gọi tên khác là giống nếp vải. Nhờ những ưu điểm đó, năm 2020, Khẩu Nua Pái đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Hộ chị Triệu Thị Trinh ở thôn Bản Chang thu hoạch lúa nếp vải.
Hộ chị Triệu Thị Trinh ở thôn Bản Chang thu hoạch lúa nếp vải.

Được biết giống Khẩu Nua Pái ở xã Lương Bằng đã có từ rất lâu. Đây là giống lúa bản địa, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương và được cấy vào vụ mùa hằng năm. Nếu như trước đây loại gạo nếp này chỉ để dùng vào những dịp Tết, hoặc làm xôi, bánh trong các hoạt động nghi lễ của đồng bào thì nay do nhu cầu sử dụng tăng, nhiều người đã bắt đầu mở rộng diện tích, canh tác bán ra thị trường. Nhận thấy tiềm năng từ giống Khẩu Nua Pái rất lớn, từ năm 2019 UBND xã Lương Bằng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết, đăng ký tham gia Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng huyện, sản phẩm Khẩu Nua Pái đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2020, từ đây mở ra cơ hội để gạo nếp vải Lương Bằng đến gần hơn với khách hàng.

Hiện nay, diện tích giống nếp Khẩu Nua Pái được duy trì mỗi vụ khoảng 10ha, tập trung nhiều ở các thôn Bản Chang, Nà Lếch, Bản Vèn, Bản Đó. Hộ ông Nông Văn Phương, chủ cơ sở sản xuất gạo Khẩu Nua Pái ở thôn Bản Chang không khỏi vui mừng vì sản phẩm từ ngày được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, cánh cửa tiêu thụ đã rộng mở hơn. Nếu như năm 2020, gia đình cấy khoảng 2000m2 thì vụ mùa năm 2021 ông đã tăng lên 3.000m2. Ông Phương cho biết: “Giống gạo nếp Khẩu Nua Pái làm ra mới chỉ bán cho người quen và chào bán ở các cửa hàng OCOP trong huyện, tỉnh, hoặc qua kênh mạng xã hội. Vì vậy người dân mong thời gian tới tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc duy trì, xây dựng thương hiệu, quảng bá gạo nếp Khẩu Nua Pái, qua đó giúp tăng thu nhập”. Hiện nay, sản phẩm Khẩu Nua Pái của cơ sở sản xuất ông Nông Văn Phương được đóng túi dưới dạng 1kg, 2kg và 5kg, giá 30.000 đồng/kg.

Nhằm duy trì, bảo tồn cá thể giống nếp bản địa, vụ mùa năm 2021, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn triển khai mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm “Phục tráng cá thể giống lúa nếp Khẩu Nua Pái” với quy mô 1,6ha. Qua đánh giá, mô hình đã thu lại những kết quả khả quan, năng suất bình quân ước đạt 47-50 tạ/ha. Việc phục tráng giống lúa nếp sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị gạo địa phương, giúp bà con biết áp dụng vào khâu sản xuất, tuyển chọn và và giữ được những cá thể giống tốt phục vụ cho các vụ sau.

Đồng chí Hoàng Xuân Hiếu- Phó Chủ tịch UBND xã Lương Bằng cho biết: “Giống gạo Khẩu Nua Pái được bà con duy trì cấy ở vụ mùa, dù có ưu điểm nổi bật là thơm ngon, dẻo, nhưng sản phẩm mới chỉ tiêu thụ trong phạm vi trong tỉnh. Thời gian tới địa phương sẽ tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống lúa đặc sản này theo hướng hàng hóa. Chú trọng các khâu chăm sóc, bảo quản, vận động các chủ cơ sở liên kết lại, tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để từng bước nâng cao giá trị gạo đặc sản địa phương, chuyển dần từ canh tác nhỏ lẻ thành vùng chuyên canh tập trung”./.

Thu Trang

Xem thêm