Na Rì phát triển các sản phẩm OCOP

Thời gian qua, huyện Na Rì đã chỉ đạo các ban, ngành và các xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), giúp các sản phẩm nông nghiệp địa phương tạo được sức bật, xây dựng thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan đạt hạng 5 sao             
Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đạt 5 sao OCOP.            

Miến dong là sản phẩm truyền thống có từ lâu đời ở xã Côn Minh, là sản phẩm mũi nhọn giúp người dân có thu nhập ổn định. Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Na Rì đã chọn sản phẩm miến dong để xây dựng thương hiệu. Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm miến dong của 6 HTX, cơ sở sản xuất đạt 3 sao và 4 sao. Trong đó miến dong của HTX Tài Hoan đạt 5 sao. Các sản phẩm của HTX Côn Minh, HTX Việt Cường (xã Văn Lang), Cơ sở Trịnh Xuân Huấn, Cơ sở Nguyễn Xuân Bồng đạt 3 sao. 

Riêng sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận sản phẩm đạt hạng 5 sao năm 2021, cung cấp ra thị trường trên 150 tấn miến dong. Sản phẩm đã được kiểm định chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn hiệu tập thể "Miến dong Bắc Kạn". Miến dong của HTX Tài Hoan được khách hàng đánh giá cao cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Việc sản phẩm nông sản khi sản xuất có hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đẹp, dễ sử dụng không những góp phần nâng cao thương hiệu, nâng giá trị thu nhập, mà còn hướng sản phẩm đến thị trường xuất khẩu. Ngày 16/7/2020, miến dong của HTX Tài Hoan chính thức ký kết hợp đồng với Công ty DALAT xuất khẩu 5,3 tấn miến dong sang Praha, Cộng hòa Séc. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm nông sản của Bắc Kạn vươn tới thị trường châu Âu.

Chị Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan cho biết: “Để sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thì sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Đảm bảo an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất đồng bộ, mẫu mã bao bì... Trong thời gian 6 tháng, chúng tôi mới hoàn thiện được tất cả tiêu chí để xuất khẩu miến dong sang thị trường châu Âu. Quan trọng nhất là bên Cộng hòa Séc đưa mẫu sản phẩm đi test thử, đạt được các tiêu chí thì sản phẩm mới xuất khẩu sang bên đó được, từ đây chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thị trường”.

Mặc dù mới triển khai 2 năm gần đây, nhưng Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) đang đem đến cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện một diện mạo mới. Năm 2018, khi lần đầu tiên Na Rì tham gia vào Chương trình OCOP có 6 sản phẩm được công nhận; bước sang năm 2019 có trên 30 sản phẩm đăng ký tham gia. Việc triển khai thành công Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" giúp giải quyết một số tồn tại từ rất lâu trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ, không chế biến sâu mà chỉ bán sản phẩm ở dạng thô, không có liên kết bao tiêu sản phẩm...

Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" là nhân tố thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đến nay huyện có 20 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 19 sản phẩm đạt 3 sao và sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đạt 5 sao. Các sản phẩm được chế biến sâu, có bao bì, nhãn mác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng quy định và yêu cầu thị trường khắt khe như: Cao cà gai leo của HTX Văn Lang HT; trà giảo cổ lam của HTX Bảo Châu; cam, quýt của HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn II; gà của HTX Trần Phú...

Anh Hoàng Văn Luân– Giám đốc HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang cho biết: “Hợp tác xã được thành lập từ năm 2014, đến nay cơ bản hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi đã sản xuất các sản phẩm như: Cà gai leo, cao cà gai leo, giảo cổ lam, chè dây, hà thủ ô, ba kích... được thị trường đón nhận. HTX đã đặt và mở rộng vùng nguyên liệu tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Mới và phát triển thêm vườn ươm để cung cấp cây giống. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục nâng cao sản phẩm, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi đã đạt 3 sao OCOP, để nâng chất lượng hoạt động, chúng tôi mong muốn có thêm sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền”.

Các sản phẩm OCOP hình thành giúp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ máy móc, sản xuất an toàn, hữu cơ. Thông qua các chương trình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, quy mô sản xuất, sản lượng hàng hóa lớn hơn, đáp ứng các tiêu chí sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình như HTX Tài Hoan hiện nay đang đầu tư máy móc, hệ thống dây chuyền sấy dẻo hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, chế biến miến dong.

Với tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp và việc triển khai phù hợp các giải pháp, phương án sản xuất, huyện Na Rì đang phấn đấu phát triển sản phẩm OCOP, đưa kinh tế nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển. Xây dựng nhiều sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.

D.K

Xem thêm