Pác Nặm xây dựng sản phẩm OCOP

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” năm 2021, huyện Pác Nặm đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Năm 2021, huyện Pác Nặm đề ra mục tiêu tập trung phát triển mới ít nhất 01 sản phẩm trở lên tham gia Chương trình OCOP và phấn đấu sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Để thực hiện có hiệu quả, huyện xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, của đơn vị để qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Pác Nặm xây dựng sản phẩm OCOP ảnh 1

Sản phẩm bún khô của Tổ hợp tác bún khô Minh Huấn, xã Bộc Bố được xếp hạng 3 sao OCOP.

Huyện đã tập trung triển khai các nội dung thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 như: Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ phụ trách Chương trình, nâng cao trình độ quản lý cho các chủ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình và cá nhân tham gia. Thường xuyên phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình nhằm tăng hiệu quả của Chương trình.

Trên cơ sở ý tưởng của các tổ chức, cá nhân đăng ký sản phẩm mới về kế hoạch kinh doanh đã được chấp thuận, lựa chọn để hỗ trợ phát triển sản xuất. Huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng. Thông qua các văn bản hướng dẫn và lựa chọn các sản phẩm OCOP năm 2021, huyện Pác Nặm có 03 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh, gồm: Trà bí đao Giáo Hiệu; trà bí đao Giáo Hiệu - trà túi lọc; bột nghệ nếp do HTX Giáo Hiệu, thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu sản xuất.

Mặc dù các sản phẩm nông sản của huyện Pác Nặm khá phong phú, tuy nhiên, đến nay huyện mới chỉ có duy nhất Tổ hợp tác bún khô Minh Huấn ở xã Bộc Bố được ngành chức năng xếp hạng 3 sao về chất lượng sản phẩm. Sau khi đăng ký phát triển mô hình làm bún khô truyền thống, Tổ hợp tác đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác.

Pác Nặm xây dựng sản phẩm OCOP ảnh 2

 Trà bí đao Giáo Hiệu của HTX Giáo Hiệu tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Được biết, năm 2021 toàn huyện thành lập mới 05 hợp tác xã (HTX), đạt 250% mục tiêu Nghị quyết, nâng tổng số HTX hiện có trên địa bàn huyện là 21 HTX. Mặc dù vậy, các HTX đều có quy mô sản xuất nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Ngoài ra, huyện duy trì và phát triển 83 tổ hợp tác thực hiện các dự án sản xuất như: Chăn nuôi lợn, trâu, bò vỗ béo, trồng gừng, nuôi gà theo Dự án CSSP...

Do xuất phát điểm thấp, nguồn vốn và năng lực hạn chế, trình độ sản xuất và phương pháp tổ chức thực hiện chưa cao nên Pác Nặm chưa có nhiều sản phẩm mang dấu ấn địa phương, chất lượng sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Pác Nặm, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó: Tập trung xây dựng và thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo về chất lượng, hiệu quả.

Theo đó, huyện đang tích cực, chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, hiệu quả của Chương trình OCOP, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP theo mô hình chuỗi sản phẩm, từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời tổ chức liên kết các hộ cùng sản xuất các sản phẩm giống nhau, cùng mục tiêu để thành lập tổ hợp tác, HTX đảm bảo về quy mô, diện tích, nguồn vốn.../.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm