Phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông

Bài 3: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Dù trải qua những khó khăn nhất định nhưng quýt vẫn là cây trồng chủ lực được huyện Bạch Thông xác định giữ vững vùng sản xuất trong những năm tới. Vì thế, nhiều giải pháp đã và đang được huyện triển khai nhằm phát triền bền vững loại cây ăn quả đặc sản này.

Lãnh đạo huyện Bạch Thông cùng các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát thực địa vùng quýt phía Tây.
Lãnh đạo huyện Bạch Thông cùng chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát thực địa vùng quýt phía Tây.

Quy hoạch lại

Mới đây, lãnh đạo huyện Bạch Thông đã đi khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo chuyên đề và nhiều hoạt động khác cho thấy sự quan tâm của địa phương đối với cây trồng có múi. Đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững vùng cam, quýt. Trước đó, Bạch Thông có riêng một nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây cam, quýt bản địa.

Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Đinh Quang Hưng cho biết: Với 1.400ha hiện có, diện tích quýt bản địa của huyện đã phát triển vượt ra ngoài quy hoạch, cùng với đó là một số vấn đề cần giải quyết. Trên cơ sở định hướng phát triển cây ăn quả có múi của cấp, ngành chức năng, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương cũng như ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, nhà khoa học, huyện sẽ quy hoạch, tổ chức sản xuất lại cho phù hợp. Cụ thể, huyện không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng quýt, đặc biệt là tại những vùng không trong quy hoạch. Đối với những diện tích hiện có, diện tích nào còn phát triển tốt, cho năng suất cao sẽ tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo, tái canh theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến. Diện tích già cỗi, thoái hóa sẽ được chuyển đổi sang loại cây trồng khác, trọng tâm là cây cam sành. Đến năm 2025, diện tích quýt bản địa của Bạch Thông sẽ phát triển ổn định khoảng 800 - 1.000ha, diện tích cam sành đạt khoảng 500ha. Huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, tập huấn khoa học kỹ thuật, ban hành các cơ chế, chính sách để người dân cùng thực hiện.

Giải pháp về kỹ thuật

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiệp (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) phân tích: Tầng đất canh tác vùng quýt Bạch Thông còn dày, độ xốp, độ phì của đất cơ bản vẫn bảo đảm. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả và phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông nên tập trung vào các yếu tố về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và bảo quản. Cụ thể, hiện nay vùng trồng quýt bản địa ở Bạch Thông nói riêng, Bắc Kạn nói chung đã bị phá vỡ quy hoạch, do vậy việc giữ được vùng lõi của giống quýt này là rất quan trọng. Từ vùng lõi sẽ tìm chọn những cây đầu dòng để phục tráng, nhân giống, bảo đảm nguồn gen đặc trưng của quýt bản địa. Người dân cần bón đủ liều lượng, cân đối các loại phân, chú trọng hơn đến phân hữu cơ nhằm bảo đảm độ tơi xốp, độ PH trong đất, giúp quả to, ngọt hơn, sức chống chịu với thời tiết, sâu bệnh tốt hơn. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt cũng cần được thay đổi. Các cơ quan chuyên môn phải "xắn tay" vào làm, để người dân tự "bơi" thì khó thành công. Muốn tái canh, bà con cần để đất nghỉ từ 2 - 3 năm mới trồng lại, nếu trồng ngay vào hố cũ cây sẽ chết hoặc phát triển kém. 

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiệp chuyên gia đến từ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiệp chuyên gia đến từ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững vùng quýt Bạch Thông.

"Ngày nay không chỉ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" mà còn là "Trồng cây nhớ người tiêu dùng". Có nghĩa người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của nông dân. Chỉ dẫn địa lý là "giấy thông hành" giúp quýt Bắc Kạn ra thị trường lớn. Nhưng để trụ vững trên thị trường, để chen chân vào những siêu thị, cửa hàng lớn cần đến chất lượng, giá cả, phương thức quảng bá, đặc biệt trong thời đại ngày nay là minh bạch thông tin. Người tiêu dùng muốn biết và có quyền được biết sản phẩm này ở đâu, quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển như thế nào. Áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp Bắc Kạn giải quyết bài toán này"- Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiệp chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Lộc Văn Nhất nhấn mạnh: "Trồng 1ha cây mỡ sau khoảng 7 năm mới cho thu hoạch, giá trị khoảng 70 triệu đồng, sau khai thác lại bắt đầu chu kỳ mới. Trong khi đó, 1ha quýt trong suốt chu kỳ phát triển từ 15 - 20 năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. So sánh như vậy để thấy được giá trị kinh tế của cây quýt đối với người dân Quang Thuận là rất lớn, dù rằng người trồng quýt đôi khi vẫn phải nếm vị đắng vì mất mùa hoặc mất giá. Vì vậy, trong những thời gian tới, chúng tôi vẫn quyết tâm giữ vững vùng quýt đặc sản của mình nhưng cũng cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ cấp, ngành chức năng trong thâm canh, tái canh vùng quýt"./. 

Xuân Nghiệp

Xem thêm