Cuộc sống mới ở Cốc Nọt

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại thôn Cốc Nọt, xã Công Bằng (Pác Nặm). Vùng đất nằm lọt thỏm dưới khe núi giữa muôn vàn cái khó đang đổi thay từng ngày. Vài chục hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đang tích cực xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giúp nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống.
Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giúp nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống.

Đường vào Cốc Nọt không còn khó khăn như trước nữa, con đường từ thôn xuống trung tâm xã dài 11km đã được đổ bê tông to và rộng hơn, ô tô có thể vào tận bản. Bên đường là những bụi hoa dã quỳ đang khoe sắc vàng rực rỡ. Ngồi bên bếp lửa uống chén trà nóng, ông Vừ A Giàng- Bí thư chi bộ thôn cho biết: Toàn thôn có 62 hộ dân với 308 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Trước kia đường sá đi lại khó khăn, nhất là khi trời mưa, thôn lại cách xa trung tâm xã nên người dân đi lại, trẻ con đến lớp rất vất vả. Khi có dự án làm đường liên thôn Nặm Sai - Cốc Nọt nối với xã Yên Thổ (Bảo Lâm - Cao Bằng), người dân trong thôn đều nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng tham gia hiến hàng trăm, hàng nghìn mét vuông đất để mở đường. Điển hình như các hộ: Vừ A Giàng, Hoàng Văn Vàng hiến hơn 1.500m2; Chang A Tủ, Chang A Quả, Sùng A Cha hiến hơn 1.000m2 đất... Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, thôn đã có nhiều đổi thay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, có tivi để xem, mỗi nhà đều sắm từ 1- 2 chiếc xe máy để đi lại, giao thương hàng hóa trở nên dễ dàng hơn.

Có điện lưới quốc gia, có đường đi lại, người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các mô hình sản xuất mới. Toàn thôn hiện có 240 con trâu, 120 con bò và hàng trăm con gia cầm. Thay vì thả rông như trước đây, đồng bào đã chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo theo Dự án CSSP. Thôn thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với 20 hộ tham gia; chuyển đổi 8ha đất sang trồng cỏ voi để bổ sung thức ăn cho gia súc.

Được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo, hộ anh Vừ A Sinh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách, đầu tư dựng chuồng trại chắc chắn, mua máy cắt cỏ, duy trì nuôi từ 2 - 3 con bò/lứa theo hình thức vỗ béo từ 2 - 3 tháng là xuất chuồng, thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng/con.

Cùng với phát triển chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt cũng được thôn chú trọng. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, thôn tuyên truyền, vận động người dân khai hoang ruộng bậc thang, chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi bạc màu sang nuôi trồng các loại cây con phù hợp. Toàn thôn có 20ha đất trồng lúa một vụ, 30ha diện tích ngô đồi được bà con ứng dụng các loại giống ngô lai vào sản xuất, năng suất khoảng 35 - 40 tạ/ha. Ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng cũng được nâng lên, không còn lệ thuộc vào tài nguyên rừng. Mấy năm gần đây, bà con bắt đầu tham gia trồng rừng ngày càng nhiều. Việc học tập của học sinh cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Điểm trường trong thôn được đầu tư xây dựng khang trang, 100% trẻ em được đi học. Tình trạng sinh nhiều con cũng giảm so với trước. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ; các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. Thôn Cốc Nọt đạt Thôn văn hóa 7 năm liền, 50/62 hộ đạt Gia đình văn hóa năm 2021.

Một ngày ở Cốc Nọt đã cho chúng tôi nhiều cảm nhận về sự nỗ lực vươn lên của  đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Dẫu còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo nhưng tin tưởng rằng có điện, có đường, có sự đổi thay trong tư duy phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới... cuộc sống của người dân nơi đây chắc chắn sẽ từng ngày thêm no ấm, khởi sắc./.

Thanh Hảo

Xem thêm