“Sắc hương rừng”

Với đề tài về núi rừng, các văn nghệ sĩ đều có những sáng tạo và ấn ý riêng. Đến với tranh bộ “Sắc hương rừng” người xem sẽ có dịp gặp lại họa sĩ Trần Giang Nam với những gam màu đặc sắc và câu chuyện thú vị.

“Sắc hương rừng” ảnh 1
 
“Sắc hương rừng” ảnh 2
 
“Sắc hương rừng” ảnh 3
 
“Sắc hương rừng” ảnh 4
 

Trần Giang Nam là một trong những họa sĩ tiêu biểu của tỉnh ta. Được nhớ đến với nhiều tác phẩm huyền bí, trầm lặng, cổ kính và ẩn chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, những năm gần đây, họa sĩ Trần Giang Nam còn để lại dấu ấn mạnh mẽ qua các giải thưởng đạt được tại Triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Bắc Kạn, vì thế, không lạ khi họa sĩ Giang Nam lại dành sự yêu mến đặc biệt cho bản sắc văn hóa truyền thống và núi rừng đại ngàn. Thông qua những chuyến đi thực tế, anh đã lưu lại nhiều khung cảnh thiên nhiên và sáng tạo nghệ thuật thành những tác phẩm đặc sắc. Không khó để nhận thấy phong cách riêng với lối tư duy hiện đại, anh luôn phát hiện điều mới lạ trong cuộc sống đời thường. Qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Giang Nam, những điều đơn giản được nhân cách hóa hình tượng nghệ thuật, khiến người xem phải suy ngẫm, liên tưởng và bất ngờ với câu chuyện ẩn chứa trong đó.

Bốn bức tranh trong bộ “Sắc hương rừng” cũng được tác giả gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc. Chiêm ngưỡng bộ tranh này, người xem sẽ có những ấn tượng đầu tiên về màu sắc. Tác giả lựa chọn gam màu xanh chủ đạo, giữa màu của núi rừng là bông hoa chuối đỏ rực rỡ và nổi bật. Nếu quan sát kỹ hơn từng bức tranh theo thứ tự, người xem sẽ bước vào một câu chuyện buồn với nỗi cô đơn của nhân vật được ví như bông hoa chuối rừng. Bức tranh đầu tiên là bông hoa chuối bung nở rực rỡ giữa núi rừng, phía sau là bóng lưng một cô gái có mái tóc đen bóng, vóc dáng thanh mảnh “thắt đáy lưng ong”, không khó để nhận ra đây là một cô gái đẹp và được ví như một bông hoa. Bức tranh thứ hai không có sự xuất hiện của cô gái mà lại có rất nhiều bông hoa chuối rừng, dù vậy bông hoa đó vẫn sáng bừng, kiêu hãnh giữa rất nhiều bông hoa khác. Điều đó cho thấy tác giả muốn người xem hiểu thêm rằng cô gái không chỉ ở tuổi đẹp nhất mà còn nổi bật nhất, giỏi giang, khéo léo có tiếng và được nhiều chàng trai để ý. Thế nhưng, đến bức tranh thứ ba lại là bóng dáng cô đơn, buồn bã của cô gái bên khung cửa sổ. Lúc này bông hoa chuối rừng đã dần chuyển màu và rũ xuống. Bức tranh cuối cùng chỉ còn lại cây chuối xanh ngát và một chiếc ghế nhỏ, khung cảnh vẫn bình yên như vậy nhưng nỗi buồn tràn ngập. Lúc này, người thưởng thức tranh sẽ có những suy nghĩ và liên tưởng riêng. Có thể cô gái đã tìm được hạnh phúc của mình, bông hoa đã có chủ, nhưng biết đâu, cô gái đã chờ mãi, đợi mãi, cuối cùng bông hoa phải héo tàn rụng xuống... 

Cùng với câu chuyện thú vị, tranh bộ “Sắc hương rừng” còn thành công khi mang đến nét đẹp của khung cảnh đời thường. Chỉ là bông hoa chuối rừng nở nhưng qua sự ngao du của màu sắc và bút pháp nhẹ nhàng của họa sĩ Giang Nam, cảnh vật trở nên sinh động, huyền ảo và vô cùng hấp dẫn./.

Bích Phượng

Xem thêm