“Bản sắc vùng cao” trong tranh của họa sĩ Trần Ngọc Kiên

Được họa sĩ Trần Ngọc Kiên ấp ủ trong thời gian dài, bức tranh “Bản sắc vùng cao” đã mang đến cho người thưởng thức những hình ảnh sinh động, thu hút về nghề thêu truyền thống của bà con vùng cao. Tác phẩm đạt giải C của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2021.

Tác phẩm Bản sắc vùng cao.
Tác phẩm "Bản sắc vùng cao".

Tác phẩm "Bản sắc vùng cao" được họa sĩ Trần Ngọc Kiên thể hiện bằng chất liệu khắc gỗ màu, bức tranh có gam màu trầm và tạo sự thu hút đặc biệt cho người xem qua từng chi tiết nhỏ. Từ nhiều đời nay, đồng bào Dao Tiền được biết đến với trang phục truyền thống đẹp mắt, để có được nét đặc trưng riêng đó, người phụ nữ phải rất tỉ mẩn, cầu kỳ để thực hiện. Dù vậy, với dân tộc Dao Tiền, trang phục truyền thống là niềm tự hào được lưu giữ qua nhiều thế hệ, chính vì vậy, ở nhiều địa phương, bà con vẫn tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm. Để có một bộ váy áo hoàn chỉnh thì thêu trang trí là công đoạn không thể thiếu và mất nhiều thời gian nhất. Hình ảnh phụ nữ Dao Tiền sau những công việc bận rộn trên nương rẫy, vẫn dành thời gian để thêu cho mình và người thân trang phục đẹp với những hoa văn tinh xảo trên khăn, tà áo, lưng áo, gấu áo đã được họa sĩ Trần Ngọc Kiên lưu lại và chuyển vào tranh một cách đầy nghệ thuật.

Trong tranh, năm thiếu nữ Dao Tiền ngồi thêu tay, mỗi người đều thể hiện một dáng vẻ khác nhau. Có cô gái chăm chú như mới bắt đầu thêu, có cô miệt mài đưa sợi chỉ, cô thì lại hớn hở như thể sắp hoàn thành… Năm thiếu nữ trong tranh đều mặc trang phục truyền thống nhưng qua bàn tay của họa sĩ Trần Ngọc Kiên đều mang vẻ đẹp khác nhau, tác giả đã tỉ mỉ thể hiện từng nét mặt, cử chỉ, và cả đôi giày vải, dép lê, điều đó đã mang đến sự sinh động, thu hút cho tác phẩm.

Chia sẻ về bức tranh, họa sĩ Trần Ngọc Kiên cho biết: Tôi đã nhiều lần đến với đồng bào Dao Tiền ở thôn Bản Bung, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn), thấy rằng, bà con luôn gìn giữ và duy trì làm trang phục truyền thống. Cách làm cũng rất đặc biệt, với kỹ thuật in thủ công bằng sáp ong lên vải, rồi nhuộm màu để hiện ra hoa văn màu trắng nổi bật trên nền chàm, cùng với đó những hoa văn thêu tay điểm màu xanh lá cây, màu đỏ làm cho trang phục của người Dao Tiền có một nét riêng rất độc đáo. Từ công việc của họ đã gây ấn tượng thôi thúc tôi nghiên cứu về kỹ thuật nhuộm và thêu truyền thống của người dân tộc Dao Tiền. Khi sáng tác tác phẩm "Bản sắc vùng cao", tôi muốn gửi thông điệp với tất cả mọi người hãy gìn giữ, bảo tồn, truyền lại nghề cho thế hệ sau những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chính vì được tác giả tìm hiểu sâu như vậy nên nhìn vào tác phẩm, người xem sẽ thấy được bản sắc của đồng bào Dao Tiền rất rõ rệt. Ngoài những bộ trang phục truyền thống quen thuộc, thì cả bức tranh gần như chỉ có màu trắng và xanh đen, hai màu sắc đặc trưng trong trang phục của người Dao Tiền. Nếu thưởng thức bức tranh lâu hơn, sẽ nhận ra toàn cảnh bức tranh là những hoa văn trên trang phục của đồng bào Dao Tiền. Đó là các hình trang trí trên áo, hình bông hoa, đồng bạc hoa xòe, rồi cả những hình thêu tay tỉ mỉ nơi gấu váy tất cả đều được sắp xếp hài hòa tại "Bản sắc vùng cao". Có lẽ, chính vì như vậy, nên tác phẩm vừa mang đến một góc nhìn thú vị về con người vùng cao, đồng thời lại mở ra cánh cửa để người xem bước vào tìm hiểu nhiều hơn về bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn./.

Bích Phượng

Xem thêm