Cảm xúc ngày thống nhất trong thơ “Người lính Cụ Hồ”

“47 năm trước tôi cũng là một trong những chiến sĩ trong đại đoàn quân trùng điệp tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam. Âm vang chiến thắng đã làm cho những người lính trẻ chúng tôi lúc bấy giờ nhớ mãi thời khắc lịch sử: 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975…”. Đó là chia sẻ của cựu chiến binh, tác giả Hà Sỹ Thuyết ở huyện Bạch Thông.

Cựu chiến binh, tác giả Hà Sỹ Thuyết.
Cựu chiến binh, tác giả Hà Sỹ Thuyết.

"Tháng tư ơi bao gian khó ngọt lành

Bốn mươi sáu năm không hề phai nhạt

Người lính trận nay mái đầu ngả bạc

Lòng bồi hồi nhớ lại tháng tư xưa”

(Bước chân thần tốc)

Mang theo những câu thơ da diết, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của tác giả Hà Sỹ Thuyết, người cựu chiến binh có mái đầu điểm bạc và ánh mắt ấm áp. Nhắc về ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Hà Sỹ Thuyết không giấu được sự xúc động, ánh mắt ông lấp lánh, bồi hồi. Ông bảo, 30/4 là ngày vui chiến thắng, cũng là ngày để nhớ và tri ân những đồng đội đã hy sinh cho đất nước hòa bình. 47 năm trôi qua ( 30/4/1975- 30/4/2022), những người lính trẻ nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đến nay cũng đều ngoài 65 tuổi.

“30/4/1975, tôi vinh dự có mặt trong những đoàn quân thần tốc vượt Trường Sơn tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam. Sau khi ta tiếp quản Sài Gòn, đơn vị tôi ở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với niềm vui chiến thắng, tôi nhớ mãi một kỷ niệm đặc biệt. Sau khi lưu lại ở Dinh Độc Lập mấy tiếng đồng hồ, hơn 5 giờ chiều ngày 30/4, đơn vị chúng tôi được lệnh đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi đang cùng đồng đội khiêng, vác những chiếc giường sắt lò xo, tôi nghe có người gọi tên mình. Ngoảnh lại, tôi gặp anh Triệu Văn Mao nhà ở đầu cầu Nà Hoan (Bạch Thông), hồi học cấp 3 anh học trên tôi một lớp. Hai chúng tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi, anh Mao thuộc Sư đoàn 10- Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Anh dẫn tôi đến nhà ga hàng không chơi, lúc đó nhà ga rất vắng không một bóng người, trong sân bay có khá nhiều máy bay phản lực dưới cánh còn treo lủng lẳng những quả bom... Mãi sau này, khi ra quân công tác ở dân sự, tôi mới có dịp gặp lại anh Mao. Trái đất thật tròn, chúng tôi gặp nhau ở Tân Sơn Nhất trong ngày toàn thắng, rồi sau lại gặp nhau trên quê hương Bắc Kạn trong ngày hòa bình”, cựu chiến binh Hà Sỹ Thuyết sôi nổi kể lại.

Sau này, ông Hà Sỹ Thuyết tiếp tục gắn bó với nghề sư phạm cho đến khi về hưu. Những năm tháng chiến tranh và nghĩa tình đồng đội vẫn luôn canh cánh trong lòng người lính. Từ cảm xúc ấy, nhiều bài thơ của tác giả Hà Sỹ Thuyết đã ra đời. Ông bảo rằng, viết về người lính và được những người lính thích tác phẩm là điều hạnh phúc nhất. Thời chiến trận, cây bút được coi là vũ khí, dùng để ca ngợi cuộc chiến đấu, động viên mọi người lạc quan cách mạng. Ngày trở về, ông và đồng đội người còn người mất, người thương tật, người may mắn lành lặn. Ông không bao giờ cho phép bản thân lãng quên các đồng đội đã anh dũng ngã xuống trước ngày toàn thắng và cả những ai trở về với cuộc sống đầy gian khổ khó khăn trong thời bình. Điều đó không khó để nhận thấy qua những tác phẩm viết về người lính của tác giả Hà Sỹ Thuyết, từng câu, từng chữ luôn thể hiện sự trân trọng:

“47 năm niềm khắc khoải

Thương đồng đội xưa nằm lại chiến trường

Ai đã trở về trong lòng đất mẹ

Ai hóa thành hoa cỏ với gió sương…”

(Nhớ tháng tư)

“Để có hôm nay tự do - độc lập   

Bao chàng trai đã ngã xuống giữa tuổi xanh...”

(Sài Gòn 30/4)

Đọc thơ của tác giả Hà Sỹ Thuyết, độc giả ít thấy ông nhắc đến những gian lao, vất vả thời chiến mà chỉ thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ anh dũng, sẵn sàng nằm xuống vì độc lập của dân tộc. Đó đều là những con người bình dị, họ không được nhớ mặt, nhớ tên, họ là hình ảnh của một thế hệ anh hùng, một thế hệ nằm xuống với bao hy vọng, khát khao gửi người ở lại:

“Chiến tranh đã khép rồi ai còn hát hành quân

Có hay quê hương đang từng ngày đổi mới

Người con gái thương anh nay lên bà vẫn đợi

Vẫn tin anh còn nhớ lối nẻo về…”

(Chiếc bình tông)

Năm tháng đã đi qua, tác giả Hà Sỹ Thuyết luôn nhớ mãi về những đồng đội đã cùng nhau vào sinh ra tử. Ông chỉ mong sao, thơ của ông sẽ nhận được sự đồng cảm của người lính và góp phần mang đến những cảm xúc trân trọng cho độc giả nhiều lứa tuổi./.

Bích Phượng

Xem thêm