[Trực tiếp] Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đối thoại với nông dân

Chiều 18/11, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức Chương trình đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại. Báo Bắc Kạn tường thuật trực tiếp sự kiện này, mời quý độc giả cùng theo dõi.

17h33': Hội nghị bế mạc.

17h26': Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao chương trình đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân. Hội nghị đã diễn ra với không khí dân chủ, sôi nổi; UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh đã nhận và trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề đang được cán bộ, hội viên nông dân quan tâm. Đây là những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng và thiết thực, những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, hội viên nông dân liên quan đến lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tại buổi đối thoại, các câu hỏi, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân cơ bản đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng trực tiếp trả lời. Đồng chí đề nghị sau buổi đối thoại này các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại hôm nay để giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cán bộ, hội viên nông dân.

Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, đơn vị mình, cấp mình, chủ động tham mưu và tổ chức triển khai, thực hiện, giải quyết các nội dung có liên quan đến ngành mình, đơn vị mình theo thẩm quyền.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm hằng năm tổ chức đối thoại với nông dân theo đúng tinh thần Công văn số 4817/VPCP-QHĐP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; Quyết định số 213-QĐ/TU ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để kịp thời tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của nông dân về xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật; cung cấp, phổ biến chính sách, pháp luật đối với nông dân; giải đáp vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân trong quá trình thực hiện chế độ chính sách đối với nông dân.

Đề nghị Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các cấp đổi mới phương thức trong việc tập hợp, đoàn kết, định hướng cho hội viên, nông dân tỉnh nhà, nhất là phương thức tổ chức các phong trào của Hội, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông dân, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đồng thời, giáo dục, bồi đắp cho hội viên, nông dân truyền thống cách mạng, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của nông dân. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh hằng năm phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tốt Hội nghị đối thoại với nông dân với hình thức, nội dung phù hợp, thiết thực.

Trong thời gian tới, đồng chí tin tưởng rằng các chủ trương của tỉnh sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

17h20': Kết thúc phần đối thoại, Hội nghị tổ chức tôn vinh và khen thưởng các nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, cuộc đối thoại ngày hôm nay thực sự rất có ý nghĩa với cán bộ, hội viên nông dân Bắc Kạn. Đây là dịp để cán bộ, hội viên nông dân được hỏi, được chia sẻ, được bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Đồng thời, đây cũng là dịp lãnh đạo các cấp, các ngành được biết thêm, hiểu thêm về Hội Nông dân Bắc Kạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tặng quà hội viên Hội Nông dân tiêu biểu
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình tặng quà hội viên Hội Nông dân tiêu biểu.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà động viên 10 hộ hội viên nông dân tiêu biểu trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng có những phần quà cho các đại biểu đã mạnh dạn đặt câu hỏi đối thoại.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho các hội viên Hội Nông dân tiêu biểu
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho các hội viên Hội Nông dân tiêu biểu.
Đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh nhận câu hỏi và trả lời các cử tri tại hội nghị
Đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành của tỉnh nhận câu hỏi và trả lời các đại biểu tại hội nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Chung, tổ 02, phường Nguyễn Thị Minh Khai.
Đại biểu Nguyễn Thị Chung, tổ 02, phường Nguyễn Thị Minh Khai.

17h00': Đại biểu Nguyễn Thị Chung, tổ 02, phường Nguyễn Minh Minh Khai (TP. Bắc Kạn) đặt 02 câu hỏi: (1) Đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, phụ cấp, bảo hiểm y tế cho chi hội trưởng nông dân. (2) Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp có thẩm quyền xem xét, tăng mức vốn vay và tăng thời hạn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình giải quyết việc làm tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất.


Trả lời câu hỏi thứ nhất của đại biểu, đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin: Về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, phụ cấp chi hội trưởng nông dân: Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày  24/4/2019 của Chính  phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán  bộ,  công  chức  cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Ngày 17/7/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số16/2020/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Ở thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, đã quy định rõ mức phụ cấp và mức bồi dưỡng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố.

Theo Điều 1 tại Nghị quyết số16/2020/NQ-HĐND quy định rõ chức danh, số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm 16 chức danh được hưởng  mức  phụ cấp. Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có 03 chức danh được hưởng mức phụ cấp, gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (Tổ trưởng  dân phố) và Trưởng  Ban  công  tác  Mặt  trận. Người  trực  tiếp  tham gia công việc của thôn, tổ dân phố không được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính  phủ, mà chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố, theo Điều 2, Nghị quyết số16/2020/NQ-HĐND quy định: "Hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố: Đối với thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ trở lên; thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự: 10.000.000 đồng/thôn, tổ dân phố/năm. Đối với các thôn, tổ dân phố còn lại 9 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm". Do vậy, các  thôn, tổ dân phố căn cứ mức khoán được cấp xem xét chi bồi dưỡng cho người tham gia công việc trực tiếp theo quy định.

Về chính sách bảo hiểm y tế, đối với chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Theo điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết  số16/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh Bắc Kạn, trong đó quy định “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế” (gồm 3 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố), Trưởng Ban công tác Mặt trận). Đối với đề nghị hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Nghị quyết số16 của HĐND tỉnh không quy định, do vậy SởNội vụ không có cơ sở để trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho Chi hội trưởng Chi hội Nông dân.

Về câu hỏi số 02 của đại biểu Nguyễn Thị Chung liên quan kiến nghị về việc xem xét, tăng mức vốn vay và tăng thời hạn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trả lời như sau: Ngày 09/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Ngày 23/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đó, kể từ ngày 08/11/2019, Chính phủ đã tăng mức cho vay và thời hạn cho vay đối với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cụ thể: Mức cho vay, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mức cho vay đã tăng từ 01 tỷ đồng/dự án lên 02 tỷ đồng/dự án; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng (mức cho vay đã tăng từ 50 triệu đồng/lao động lên 100 triệu đồng/lao động. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn (Thời hạn cho vay tối đa tăng từ 60 tháng lên 120 tháng).

Đại biểu Đỗ Thị Hạnh, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn)
Đại biểu Đỗ Thị Hạnh, thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn)

16h55': Về câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Hạnh đến từ thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn liên quan đến phụ cấp đối với các chức danh kiêm nhiệm đối với các Chi hội trưởng ở cơ sở.

Đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: Theo khoản 3, Điều 1 tại Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND quy định rõ hình thức kiêm nhiệm, số lượng kiêm nhiệm và mức phụ cấp kiêm nhiệm, theo đó chỉ có cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được kiêm nhiệm các chức danh không chuyên  trách ở cấp xã. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố), Trưởng Ban công tác Mặt trận) được kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn đội trưởng, nhân viên y tế thôn, bản, ủy viên bảo vệ dân phố. Đối với các Chi hội trưởng khác, trong đó có Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Nghị quyết  số 16 của HĐND tỉnh không quy định, do vậy Sở Nội vụ không có cơ sở để trình UBND tỉnh điều chỉnh việc chi tiền thực hiện việc kiêm nhiệm cho Chi hội trưởng Chi hội Nông dân.

16h45':  Ông Mùng Đức Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lộc (Ba Bể) hỏi: (1) Xã Phúc Lộc - huyện Ba Bể có 09 thôn vùng cao hiện nay chưa được sử dụng điện Quốc gia. Đề nghị UBND tỉnh có định hướng và giải pháp gì để người dân sớm được sử dụng điện lưới Quốc gia. (2) Hiện nay, tuyến đường giao thông lên các thôn vùng cao như: Phja Khao, thôn Khuổi Pết, thôn Cốc Muồi của xã Phúc Lộc đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Do vậy UBND tỉnh có những giải pháp nào để sớm khắc phục được tình trạng này.

Trả lời câu hỏi số 1 của đại biểu, đồng chí Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương giải đáp: Theo Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ Công thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn có tỉnh khoảng 3.524 hộ dân nông thôn thuộc 120 thôn/bản của 41 xã, thị trấn thuộc 7 huyện, trong đó xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể được đầu tư xây dựng 09 trạm biến áp (gồm các trạm biến áp Lủng Pjầu; Nhật Vẹn; Khuổi Pết; Phja Phạ; Nà Ma; Phiêng Chỉ; Cốc Diển; Phja Khao; Cốc Muồi) với trên 26,5km đường dây 35kV và 17,9km đường dây 0,4kV. Tuy nhiên, dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020 chưa được Trung ương cấp vốn triển khai thực hiện.

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án trên trong giai đoạn 2021 - 2025, ngày 14/10/2020 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 6103/UBND-TH về việc đăng ký nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bắc Kạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đồng thời Bộ Công thương đã ban hành Văn bản số 3462/TTr-BCT ngày 15/6/2021 trình Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công "Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025", đến nay Dự án vẫn chưa được Trung ương cấp vốn.

16h35': Đại biểu Vũ Văn Quỳnh, Hội Nông dân tổ 8A, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) hỏi về công trình đường thoát hiểm Tỉnh ủy đã 15 năm chưa hoàn thành, người dân trong khu vực giải tỏa chưa được cắm đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Xin hỏi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đến khi nào thì người dân trong khu giải tỏa mới có đất tái định cư.

Đồng chí Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn trả lời: Các hộ gia đình trên bị thu hồi đất vào công trình đường từ ngã ba lên Tỉnh ủy đến đường Nguyễn Văn Tố và hạ tầng kỹ thuật nhà công vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn từ năm 2008, tại thời điểm thu hồi đất thực hiện theo Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 13/01/2005 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện GPMB chủ đầu tư chưa thực hiện xây dựng khu tái định cư để chuyển giao quỹ đất cho thành phố thực hiện giao tái định cư cho các hộ theo quy định. Sau đó đến năm 2009 chính sách về bồi thường thay đổi Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 13/01/2005 hết hiệu lực nên vướng mắc kéo dài. Từ những vướng mắc nêu trên UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó năm 2020, UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương xây dựng khu tái định cư, hiện nay UBND thành phố Bắc Kạn đã phê duyệt quy hoạch dự kiến nguồn vốn đầu tư khoảng 110,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Sau khi được đầu tư xây dựng xong khu tái định cư UBND thành phố sẽ xem xét giao đất ở cho các hộ đủ điều kiện theo quy định.

16h25': Sau giờ giải lao, Hội nghị bước vào đối thoại về nhóm đất đai, vốn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và chế độ, chính sách đối với cán bộ Hội. Đây là phần nội dung được nhiều đại biểu tâm huyết, đưa ra câu hỏi và các vấn đề nóng mà nông dân các địa phương quan tâm...

Đại biểu Trịnh Trường Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Mẫu (Ba Bể) đặt hai câu hỏi: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét đầu tư cải tạo mở rộng tuyến đường xuống bến đò sang ngang hồ Ba Bể. Hàng ngày người dân lưu thông đi lại chủ yếu qua tuyến đường này, vì đường vừa hẹp vừa có độ dốc lớn và cua gấp, mặt đường ẩm thấp rêu mọc dẫn đến trơn trượt, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn không mong muốn, nếu không được đầu tư cải tạo mở rộng thì tuyến đường này nguy cơ trở thành điểm nóng về tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Hai là, hội viên thuộc 05 thôn vùng cao xã Nam Mẫu - huyện Ba Bể đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư tuyến đường từ UBND xã Nam Mẫu đến 05 thôn vùng cao để thuận tiện cho việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân vì hiện nay quãng đường từ UBND xã đi các thôn rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vậy, UBND tỉnh có giải pháp nào sớm khắc phục được tình trạng này).

Đồng chí Lưu Quốc Trung Chủ tịch UBND huyện Ba Bể giải đáp: Qua phối hợp làm việc với địa phương, nội dung đề nghị thuộc bến thủy nội địa Kéo Sliu, hồ Ba Bể, bến được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động số 06/GPBTNĐ ngày 11/01/2021 cho Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể, quy mô bến tạm, mục đích phục vụ dân sinh và kinh doanh du lịch. Qua trao đổi được biết hiện nay khu vực này đang lập đồ án Quy hoạch di tích phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, sau khi quy hoạch được duyệt cấp có thẩm quyền sẽ xem xét cân đối nguồn ngân sách để đầu tư phát triển du lịch theo quy định. Về câu hỏi số 02, đây là các tuyến đường do địa phương quản lý theo quy định, các tuyến đường cơ bản đã được cứng hóa, một số đoạn đường đất UBND huyện đã tổng hợp xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư theo quy định. Hiện nay Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan triển khai tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, trong đó hướng tuyến đi qua 02 thôn vùng cao của xã Nam Mẫu là Nà Nghè và Đán Mẩy. Dự án hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch vùng, đảm  bảo giao thương hàng hóa của bà con nhân dân 2 tỉnh  Bắc Kạn, Tuyên Quang và các tỉnh lân cận.

Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Toản Chinh (Pác Nặm) nêu câu hỏi.
Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Toản Chinh (Pác Nặm) nêu câu hỏi.

Đại biểu Triệu Thị Chinh, Giám đốc doanh nghiệp Toản Chinh, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm hỏi: Nguồn tài nguyên khoáng sản như mỏ đá Nhạn Môn đã khai thác và rất hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng huyện giá thành hợp lý. Còn nguồn cát đều phụ thuộc vào cát Ba Bể giá thành cao do vận chuyển xa, huyện Pác Nặm cũng có nguồn khoáng sản như cát tại Khuổi Nồng - xã Bộc Bố nếu được cấp phép khai thác thì giảm giá thành, sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sớm chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để tổ chức khai thác cát tại Khuổi Nồng - xã Bộc Bố để tạo điều kiện cấp phép cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được khai thác để phục vụ xây dựng các tuyến đường nông thôn mới, giảm chi phí cho các công trình phúc lợi địa phương và công trình cơ bản.  

Trả lời đại biểu Triệu Thị Chinh, đồng chí Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Khu vực mỏ cát, sỏi Khuổi Nồng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 - 2020 được UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 30/7/2020. Mỏ cát, sỏi Khuổi Nồng nằm trong kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt. Công  ty TNHH SDTB là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực cát sỏi Khuổi Nồng được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá tại Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 29/9/2021.

Toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

16h00': Về ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Lưu, đồng chí Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT giải đáp: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai thực hiện các mô hình phát triển sinh kế trong rừng tự nhiên là rừng sản xuất, phòng hộ. Trong đó chủ yếu tập trung thực hiện một số mô hình như: Khai thác các loài lâm sản ngoài gỗ, trồng các loài cây dược liệu, rau bản địa dưới tán rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung bằng cây bản địa, cây đa mục đích. Để phát triển kinh tế rừng ổn định hài hòa với bảo vệ rừng trong thời gian tới, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp như: Thực hiện bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời tới toàn thể Nhân dân về Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người trồng rừng chuyển đổi cơ cấu, thay thế các diện tích rừng trồng kém hiệu quả sang trồng các loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, cây đa mục đích và phát triển dược liệu dưới tán rừng...

Tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực sẵn có tại địa phương, xây dựng chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tạo điều kiện thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả tối đa các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng gồm: Giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình thực  hiện bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng... Đề nghị UBND các cấp chủ động quan tâm phát triển sinh kế cho người dân, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội tại các khu vực có rừng tự nhiên gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình MTQG của Trung ương và của tỉnh theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh Bắc Kạn đề xuất với Chính phủ cho thực hiện các chính sách đặc thù như: Chính sách Hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ là rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý tại các xã ngoài khu vực II, III. Cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh có độ che phủ rừng cao; các tỉnh phát triển sản xuất công nghiệp nhưng có tỷ lệ che phủ rừng thấp chi trả kinh phí cho tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao để đầu tư bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, phòng chống lũ lụt.

Trả lời đại biểu Vũ Việt Bắc, đồng chí Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT giải đáp: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại thực trạng diện tích rừng trồng của người dân nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng đã đến tuổi khai thác, tuy nhiên không được khai thác do theo quy định rừng trồng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng không được khai thác, chỉ được phép khai thác đối với rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất, rừng phòng hộ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ để đề nghị được chuyển loại rừng từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, cụ thể: UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Báo cáo số 685/BC-UBND ngày 20/11/2020, trong đó đề xuất chuyển ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 459,9ha. Tại Phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ giai đoạn 2021 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1016/QĐUBND ngày 09/6/2022 cũng có nội dung điều chỉnh chuyển diện tích đất đã được các hộ gia đình trồng rừng, canh tác nương rẫy ra khỏi rừng đặc dụng.

Với nội dung trên, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan tham mưu, đề xuất cho tỉnh để có phương án giải quyết cho người dân trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải đảm bảo theo đúng quy định. Trong thời gian chưa chuyển loại rừng từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất được, đề nghị người dân tiếp tục bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên cũng như diện tích rừng trồng, không được tự ý khai thác khi chưa có sự đồng ý của cấp có thầm quyền.

Trả lời ý kiến của đại biểu Lành Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới, đồng chí Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG là việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho các đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân thuộc đối tượng của Chương trình.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là phương thức hỗ trợ thông qua dự án, kế hoạch liên kết do đơn vị chủ trì liên kết với các đối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đơn vị chủ trì liên kết là doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất dự án, kế hoạch liên kết để hợp tác với các cá nhân, hộ gia đình, tổ nhóm hợp tác để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn thuộc phạm vi đầu tư của Chương trình MTQG. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng của các Chươngtrình MTQG do cơ quan quản lý nhà nước là chủ đầu dự án.

Do vậy, Hội Nông dân các cấp không thuộc đối tượng tham gia chủ trì liên kết các dự án, mà chỉ phối hợp thực hiện tuyên truyền vận động các hội viên nông dân thuộc các đối tượng của các Chương trình MTQG tham gia thực hiện các dự án liên kết. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ đề nghị phân bổ nguồn lực cho Hội Nông dân để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền cho hội viên, nông dân các cấp tham gia thực hiện các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

15h53': Trả lời ý kiến của ông Đặng Văn Chàn, đồng chí Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong thời gian qua, cùng với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về rừng, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định chăn nuôi trâu, bò và lợn là các loài vật nuôi chính cần tập trung ưu tiên phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Cùng với sự hỗ trợ, thúc đẩy của một số chương trình, dự án khác đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Nhờ đó, công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực; về cơ cấu, tổ chức chăn nuôi có sự thay đổi đáng kể, từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô tập trung, chuyên biệt sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: Giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, thiếu ổn định, năng suất thấp; việc giết mổ, chế biến sâu còn hạn chế do công nghiệp chế biến chưa phát triển; liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất, phụ thuộc nhiều vào thương lái và chịu biến động trực tiếp của thị trường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch...

15h48': Đại biểu Đặng Văn Chàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm nêu: Trong những năm qua chăn nuôi vỗ béo trâu, bò là lợi thế của xã Nghiên Loan, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá trâu, bò giảm sâu từ 100.000 - 120.000 đồng/kg xuống còn 60.000 - 65.000 đồng/kg trâu, bò hơi. Để chăn nuôi vỗ béo trâu, bò tiếp tục trở thành hàng hóa và nâng cao thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp và cơ chế gì nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng để sơ, chế biến thịt trâu, bò khô, giúp xã Nghiên Loan xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và đưa sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường?

Đại biểu Hoàng Văn Lưu, Trưởng thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm hỏi: Công tác bảo vệ rừng hiện nay đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. UBND tỉnh có giải pháp gì để giúp người nông dân đang sinh sống tại vùng sâu, vùng rừng núi, đất đai chủ yếu là đất rừng sản xuất thuộc diện đóng cửa rừng có điều kiện phát triển sản xuất, tạo ra thu nhập ổn định từ dưới tán rừng, mức thu nhập đảm bảo đạt mức bình quân chung tại khu vực, nhưng vẫn đảm bảo giữ được rừng?

Đại biểu Lành Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới đề nghị UBND tỉnh quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp được chủ trì và trực tiếp tham gia các dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Chấp hành Trung ương.

Đại biểu Vũ Việt Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Na Rì đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, xem xét giải quyết đất rừng trồng đã quy hoạch vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ mà xã Côn Minh đã nhiều lần kiến nghị trước đó.

15h40': Ông Lường Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Địa Linh (Ba Bể) hỏi: Việc xây dựng, quy hoạch vùng phát triển kinh tế theo định hướng mỗi xã, phường một sản phẩm như bí xanh thơm đang phát triển tràn lan không theo định hướng mỗi xã, phường một sản phẩm sản xuất cung vượt cầu gây ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng sản phẩm và thương hiệu sản phẩm của vùng miền. Vậy, có giải pháp gì để thực hiện tốt Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm?
 

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu và trả lời trực tiếp những ý kiến trong thẩm quyền
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành lắng nghe, tiếp thu và trả lời ý kiến của đại biểu nông dân.

Đồng chí Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể giải đáp: Tại Quyết định 4636/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND huyện Ba Bể về việc phê duyệt Đề án phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Bể giai đoạn 2021 - 2025 đã phân vùng cụ thể đối với một số cây trồng, vật nuôi. Đối với cây bí xanh thơm được phân vùng trồng tập trung tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương, Hà Hiệu. Ngày  06/10/2022 UBND huyện Ba Bể đã ban hành Quyết  định số 2978/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng giống bí xanh thơm Ba Bể. Nhằm quản lý, bảo tồn, duy trì, phát triển giống bí xanh thơm Ba Bể đã được phục tráng thuộc đề tài “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” là đề tài KHCN cấp tỉnh do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là cơ quan chủ trì thực hiện, để cung ứng đủ giống có chất lượng tốt phục vụ sản xuất đại trà, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể trên thị trường.

Giải pháp để thực hiện tốt Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm như sau: Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chứng nhận OCOP đối với sản phẩmvi phạm luật an toàn thực phẩm; luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung của Đề án OCOP tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 trên các phương tiện truyền thông góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển sản phẩm từ cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Về lĩnh vực OCOP, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình lưu ý thêm: Cần phải làm tốt vai trò định hướng, nghiên cứu thị trường. Vì vậy, đồng chí đề nghị các sở, ngành, cùng chính quyền địa phương các cấp ở cơ sở xuyên chia sẻ, hỗ trợ bà con đảm bảo thích ứng với thị trường; đảm bảo các sản phảm sản xuất ra tiêu thụ tốt. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thời gian tới, người dân tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ nhau hơn nữa trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu thị trường…

15h32': Theo ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: Căn cứ các văn bản của Trung ương, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết để triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng  nông  thôn  mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn như sau:

Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 về mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 về việc thông qua phương án  phân  bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn  2021-2025  và  phân  bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực  hiện các chương trình mục  tiêu  quốc  gia; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu  quốc  gia  xây  dựng  nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định 652/QĐ-TTg ngày  28/5/2022  của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 chương trình MTQG; Quyết định 653/QĐ-TTG ngày 28/5/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 03 chương trình MTQG).

Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 (nguồn vốn sự nghiệp); Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 phân  bổ và giao dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 (đợt 1); Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 về phân bổ kinh phí sự nghiệp thực  hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 (đợt 2).

15h28': ông Triệu Văn May, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tú (Bạch Thông) hỏi: Tân Tú đang phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn thực hiện các công trình và các dự án hỗ trợ sản xuất phân bổ rất chậm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có các hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện các hạng mục đầu tư đúng tiến độ đề ra.

Ông Lường Văn Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Địa Linh (Ba Bể) hỏi: Việc xây dựng, quy hoạch vùng phát triển kinh tế theo định hướng mỗi xã, phường một sản phẩm như bí xanh thơm đang phát triển tràn lan không theo định hướng mỗi xã, phường một sản phẩm; sản xuất cung vượt cầu gây ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng sản phẩm và thương hiệu sản phẩm của vùng miền. Vậy, tỉnh có giải pháp gì để thực hiện tốt Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm?

15h20': Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi bởi các đại biểu rất quan tâm và ưu tiên đặt những câu hỏi về lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí mong muốn qua hội nghị này sẽ truyền tải nhiều hơn nữa các chương trình về phát triển nông nghiệp hàng hoá, các cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp của tỉnh… Đồng thời nhấn mạnh, làm sản phẩm gì thì trước tiên nông dân đều phải xác định ai sẽ là người thu mua, bán cho thị trường nào, quá trình liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ ra sao...

Hội nghị đã tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ thực tế các địa phương đang gặp phải
Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc các địa phương đang gặp phải.

15h00': Trả lời ông Triệu Kiềm Quấy, đồng chí Hà Sĩ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

Trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn qua theo dõi cho thấy giá phân bón các loại tăng cao, nhất là giá các loại phân vô cơ, điều đó đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như giá cả các loại nông sản…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Sĩ Huân trả lời câu hỏi của đại biểu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Sĩ Huân trả lời câu hỏi của đại biểu.

Để chủ động trong sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực do giá phân bón tăng cao trên địa bàn tỉnh, ngành đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến việc sử dụng vật tư nông nghiệp, cụ thể như: Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học; hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt v.v.) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ.

Tăng cường quản lý, phối hợp kiểm tra, giám sát việc buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh chống đầu cơ tăng giá, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất. Đồng thời, theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động đề xuất các nguồn kinh phí để triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp cho người dân. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tăng cường các giải pháp nhằm giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ trong sản xuất.

14h54': Ông Triệu Kiềm Quấy, Chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Khuổi Làng, xã An Thắng (Pác Nặm) đặt câu hỏi: Thời gian qua giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp giá tăng cao, bên cạnh đó sản phẩm nông sản của người nông dân thấp, ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Vậy tỉnh có những giải pháp gì để giúp đỡ người nông dân?

Ông Nông Sằm Thành, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Khuổi Trà, xã Cổ Linh (Pác Nặm) đặt câu hỏi: Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hội viên nông dân tiêu biểu và trưởng thôn có uy tín đi học tập kinh nghiệm mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả tại các địa phương khác trong, ngoài tỉnh?

Đại biểu Nông Sằm Thành, hội viên Hội Nông dân huyện Pác Nặm nêu câu hỏi tại hội nghị
Đại biểu Nông Sằm Thành, hội viên Hội Nông dân huyện Pác Nặm nêu câu hỏi tại hội nghị.

Ông Lê Hồng Quân, Giám đốc HTX Vạn Lộc xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm có câu hỏi: Huyện Pác Nặm có thế mạnh về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển cây dược liệu, giúp những hộ gia đình tại các thôn vùng cao thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, có thu nhập ổn định từ cây dược liệu. Cụ thể là cây hồi, quế để chưng cất lấy tinh dầu hồi và trồng lấy quả hồi. Vậy, tỉnh có giải pháp nào đẩy mạnh phát triển cây hồi trên địa bàn huyện?

Đại biểu Lê Hồng Quân, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Lộc, huyện Pác Nặm nêu câu hỏi về giải pháp phát triển chăn nuôi trong thời gian tới đối với tỉnh
Ông Lê Hồng Quân, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Lộc, huyện Pác Nặm nêu câu hỏi về giải pháp phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

14h48': Hội nghị tiến hành đối thoại trực tiếp giữa cán bộ, hội viên nông dân tham dự Hội nghị với các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Sĩ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể; Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh; Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công thương; u Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. 

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham gia toạ đàm cùng nông dân.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tham gia toạ đàm cùng nông dân.

14h35': Trình chiếu phóng sự về kết quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân 10 tháng đầu năm 2022.

Phóng sự về kết quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân do Hội Nông dân và Đài PTTH tỉnh thực hiện.

14h25': Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2022.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình phát triển kinh tế xã hội năm 2022
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo đó, tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý III dự kiến đạt 7,39%, tính chung 9 tháng dự kiến tăng trưởng 5,81% so với cùng kỳ, thấp hơn so với cả nước (8,83%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng 3,75%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 8,03% (công nghiệp tăng trưởng 8,52%), khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,03%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,15%. Cơ cấu kinh tế, ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 23,16%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,41%, dịch vụ chiếm 57,6%.

Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đang tập trung vào chăm sóc lúa vụ mùa, trồng và chăm sóc hoa màu. Công tác phát triển đàn vật nuôi ổn định, tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP được quan tâm đẩy mạnh; có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Bắc Kạn).

Hoạt động công nghiệp ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế 10 tháng năm 2022 ước đạt 1.247.718 triệu đồng, đạt 77% kế hoạch, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao chi tiết 2.647,98 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 (đạt 100% số kế hoạch vốn trung ương giao), kết quả giải ngân đến thời điểm 31/10/2022 ước giải ngân được 1.284 tỷ đạt 48% kế hoạch.

Dịch vụ, thương mại tiếp tục ổn định và phát triển, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế 10 tháng năm 2022 đạt 30,551 triệu USD. Tổng lượt khách du lịch 10 tháng có 385,7 nghìn lượt khách, đạt 60% kế hoạch, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 268,4 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết ngày 20/10/2022 được 653 tỷ đồng đạt 86% dự toán Trung ương giao, đạt 79% dự toán tỉnh giao…

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội; khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường; công tác nội vụ; thanh tra, tiếp công dân; công tác tư pháp; công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên…

14h20': Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc buổi đối thoại.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc buổi đối thoại.

Đồng chí nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngành nông nghiệp từng bước có sự chuyển biến tích cực, sản phẩm nông sản, lâm sản đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo thu nhập chính cho người dân và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; bước đầu nền nông nghiệp của tỉnh đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, cùng với đó Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong trồng trọt đã hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, một số diện tích đã chuyển sang sản xuất theo mô hình công nghệ cao đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại chăn nuôi tập trung quy mô vừa và nhỏ có đầu tư; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông lâm nghiệp đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được kết quả tại nhiều địa phương trong địa bàn,… Đời sống của người dân ngày càng ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo, giá trị từ sản xuất nông nghiệp được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao, mức tiêu thụ các sản phẩm thấp nên người dân hạn chế đầu tư phát triển sản xuất; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chậm đổi mới, kinh tế hộ vẫn giữ vai trò chủ đạo với quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết, hợp tác với nhau. Một số nơi chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thu nhập khu vực nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, đời sống một bộ phận nông dân còn gặp khó khăn…

Để giải quyết hiệu quả những vấn đề này; lãnh đạo UBND tỉnh rất cần nghe ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn.

Tại Chương trình đối thoại hôm nay, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.

Để cuộc đối thoại hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đã đúng và trúng, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa? Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì? Mạnh dạn đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình bày tỏ mong muốn tại Chương trình này, sẽ nhận được nhiều ý kiến chất lượng của hội viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đề xuất; các vướng mắc, kiến nghị sẽ cơ bản được giải đáp và giải quyết theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Qua đó, góp phần tạo môi trường ngày càng thuận lợi để nông dân và tổ chức Hội Nông dân phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, vững tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị hiện đại văn minh.

14h15': Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu:

Dự buổi đối thoại có các đồng chí: Trần Thị Lộc, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo Hội Nông dân cấp huyện, xã, chi hội trưởng, hội viên nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Chương trình được tổ chức nhằm thực hiện Công văn số 4817/VPCP-QHĐP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; Quyết định số 213-QĐ/TU ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

14h00': Mở màn Hội nghị đối thoại là chương trình nghệ thuật đặc sắc do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đối thoại với người dân trên địa bàn tỉnh
Chương trình văn nghệ chào mừng do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn.
 

Quý Đôn - Đăng Bách - Văn Lạ - Đình Hợi

Xem thêm