25 năm gắn bó với sự phát triển của quê hương

Năm 1997, tỉnh Bắc Kạn tái thành lập, nhiều người công tác tại tỉnh Bắc Thái cũ (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã quay trở về, góp sức xây dựng quê hương. 25 năm đã trôi qua, nhiều người năm xưa nay đã nghỉ hưu, nhưng những năm tháng đầu tiên phục vụ quê hương vẫn in sâu trong ký ức…

Ông Hứa Thanh Giang
Ông Hứa Thanh Giang.

Ông Hứa Thanh Giang (sinh năm 1950) quê gốc ở xã Quân Hà, huyện Bạch Thông. Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, nhưng khi Tổ quốc cần, thầy giáo trẻ Hứa Thanh Giang đã lên đường nhập ngũ vào năm 1970. Từ đó, ông gắn bó và công tác trong quân đội. Nhắc về dấu mốc tái lập tỉnh, ông Giang như được trở về năm tháng cũ với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Cuối năm 1996 khi đang công tác tại Sư đoàn 346 tỉnh Bắc Thái cũ (nay là tỉnh Thái Nguyên) ông Giang được chuyển về làm Chỉ huy phó, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn. Là một người con gần 30 năm xa quê, ông Giang vui mừng, phấn khởi vô cùng. Ông Giang nhớ lại, tỉnh Bắc Kạn khi ấy chỉ có một trục đường chính là được trải nhựa, còn lại là đường đất, bụi bẩn, lầy lội. Đời sống người dân mặt bằng chung rất khó khăn nhưng ai cũng một lòng đi theo Đảng và Nhà nước. Bộ đội về Bắc Kạn chủ yếu chuyển từ tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Cao Bằng đến, chính vì vậy nơi ăn, chốn ở rất vất vả. Ban đầu, anh em còn tự động viên, làm công tác tư tưởng để ổn định tâm lý, xây dựng tình đoàn kết trong đơn vị, từ đó mới làm công tác huấn luyện nhanh chóng và đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhớ về chặng đường 25 năm, ông Giang chia sẻ: Khi mới bắt đầu, mọi thứ bao giờ cũng rất khó khăn. Chúng tôi ngày ấy còn đi tuyên truyền tuyển quân, đường không có, phải lội suối, băng rừng mà cứ vào các thôn là phải đi bộ, nhưng cũng may mắn là dân mình hiền lành, quý mến và chấp hành tốt, năm nào cũng đạt chỉ tiêu tuyển quân được giao. Đến nay tôi đã về hưu được hơn 10 năm, giờ nhìn lại thấy Bắc Kạn nếu so với 25 trước đây thì đã có những bước tiến lớn. Đường giao thông thuận tiện đã về tận thôn, điện lưới quốc gia đã đến với đồng bào, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đối với quân đội thì các anh, em hiện nay có nơi làm việc khang trang, tư tưởng ổn định... Giờ đây chỉ mong sao sớm có đường cao tốc thông thương đến các tỉnh khác, từ đó Bắc Kạn thu hút được các nhà đầu tư lớn để nền công nghiệp tỉnh ta phát triển hơn nữa…

Ông Nguyễn Công Thái
Ông Nguyễn Công Thái.

Cùng chung với chia sẻ của ông Giang, ông Nguyễn Công Thái, người chuyển từ Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Thái cũ lên Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn vào năm 1997 cũng phấn khởi trước đổi thay của quê hương. Là người con của huyện Na Rì, năm 1997, khi tỉnh Bắc Kạn tái lập, ông trở về Bắc Kạn và làm thẩm phán. Vì mới được tái lập, nên ban đầu chưa có trụ sở, ông cùng 15 người chuyển công tác đến tỉnh Bắc Kạn ở tập thể và đi lại để làm việc. Sau một năm, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn mới có trụ sở tạm.

Ông Thái nhớ lại: Biết là được về “nhà” là tôi và gia đình vui lắm, phấn khởi vô cùng dù phía trước là rất nhiều khó khăn. Tỉnh Bắc Kạn khi ấy gần như bắt đầu lại, khung cảnh hoang sơ, lụp xụp, ngôi nhà xây cao nhất là 3 tầng, đường đi không có... Ở thời điểm ấy, hầu hết những cán bộ chuyển công tác đến tỉnh Bắc Kạn đều ở tập thể và đi thuê nhà trọ, thiếu thốn về vật chất nhưng lại ấm áp về tình người, vì bà con ai cũng dễ chịu, hiền lành. Các vụ án thời điểm ấy chủ yếu là tranh chấp đất ruộng và tệ nạn ma túy, dân trí của người dân chưa cao, nhiều người đến tòa không biết nói tiếng Việt. Nhưng sau 25 năm, Bắc Kạn như có sự thay da đổi thịt, những ngôi nhà khang trang, cao tầng nằm san sát, đường đẹp, đặc biệt, tệ nạn ma túy đã giảm, đời sống người dân ngày càng phong phú, trẻ em được quan tâm, chăm sóc, dân trí phát triển…

Lật lại những thước phim cũ của 25 năm đã qua, càng hiểu hơn những khó khăn của các thế hệ đi trước, từ đó càng thêm yêu quý, tự hào về quê hương. Mong rằng tới đây, khi bước sang một năm mới, tỉnh Bắc Kạn sẽ ngày càng đi lên, phát triển bền vững về mọi mặt.../.

Bích Phượng

Xem thêm