BẮC KẠN TỰ HÀO VƯỢT KHÓ ĐI LÊN

Cách đây tròn 25 năm, Bắc Kạn chính thức được tái lập. Vượt bao khó khăn, thử thách, Bắc Kạn tự hào đã vững vàng đi lên, gặt hái nhiều thành tựu to lớn.

Hồi ấy, trong cái không khí đầu đông cuối năm 1996, người ta vẫn còn nhớ như in tâm trạng của những người dân bao ngày thấp thỏm, ngóng trông cho đến khi vỡ òa trong niềm vui tái lập tỉnh. Không khí phấn chấn ấy lan vào từng nếp nhà, ngõ xóm, đến những bản làng xa xôi. Sau hơn một tháng chuẩn bị, tuy nhiều việc còn ngổn ngang, bề bộn nhưng sự kiện tái lập tỉnh đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

Sáng sớm tinh mơ ngày 01/01/1997, người dân và các lực lượng tham gia mít tinh nườm nượp đổ về Sân vận động thị xã, không khí như ngày hội. Lần đầu tiên sau ba mươi năm, người ta mới được thấy thị xã bé nhỏ được nêm chặt người và xe. Buổi lễ mít tinh tuy không dài nhưng những ấn tượng sâu sắc ấy vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Bắc Kạn.

Những ngày sau đó, đường phố, hàng quán, chợ trở nên nhộn nhịp, người dân tứ xứ đổ về thị xã Bắc Kạn, tạo ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, du lịch phát triển. Không khí tái lập tỉnh lan tỏa về các huyện, xã, thị trấn; niềm hân hoan hiện lên trên ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân. Vui mừng phấn khởi là vậy, nhưng ai cũng còn phảng phất nỗi ưu tư, trăn trở là làm sao để quê hương phát huy được thế mạnh của mình, sớm có cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn trước.

 Trở lại với trung tâm tỉnh lỵ, từ một thị xã nhỏ, heo hút, nghèo nàn, đến cái phòng họp, trụ sở, quán ăn, đường sá... tất cả đều đơn sơ, nhỏ bé. Trong suy nghĩ của nhiều người lúc ấy, Bắc Kạn thật heo hút, hoang sơ, lạ lẫm. Có người buột miệng: “Ngồi trên xe ô tô, chưa ăn hết cái bánh mỳ đã đi hết thị xã rồi”. Về đến các huyện thì còn gian truân hơn rất nhiều. Lúc đó có huyện điện lưới, điện thoại gia đình vẫn là những thứ quá xa sỉ, đường đi các xã gập gềnh, lầy lội và thường chỉ đến được vào mùa khô. Đất nước tuy đã qua thời kỳ chật vật lo từng bữa ăn, nhưng cũng chưa đủ sức để đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi.

Nhìn lại những ngày đầu mới tái thành lập, nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là thuần nông, tự cung tự cấp; 5 yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương đó là đường hàng không, đường thủy, đường sắt, đường biên và khu công nghiệp thì tỉnh đều không có. Thu ngân sách mới đạt trên 17 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người ở mức trên một triệu đồng/năm, bằng khoảng 25% (1/4) thu nhập bình quân đầu người cả nước; lương thực bình quân cũng chưa đầy hai tạ/người/năm. Ăn còn chưa đủ, lấy đâu để đầu tư phát triển chăn nuôi. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội tụt hậu nhiều so với các tỉnh trong khu vực. Hầu hết phòng học, trạm xá làm bằng tranh tre, nứa lá, tạm bợ. Chuyện học hành, khám chữa bệnh, xa hơn một chút là được đào tạo nghề, làm công chức, viên chức, công nhân... đối với đồng bào thật lắm gian truân. Các thiết chế văn hóa, thể thao ngay tại khu trung tâm tỉnh và các huyện hầu như chưa có. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mê tín dị đoan, nghiện các chất ma tuý diễn biến rất phức tạp do hệ lụy của nạn đào đãi vàng nhiều năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng du canh, du cư vẫn diễn ra nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông. Những ngày ấy, trụ sở các xã, thị trấn vô cùng thiếu thốn, phòng làm việc chật chội, cấp trưởng đi làm thì cấp phó phải nghỉ vì... chỉ có một chỗ ngồi. Khi có hội nghị thì cán bộ phải nghỉ vì hội trường cũng đồng thời là phòng làm việc... Những điều kiện như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Nhưng phải chăng sự kiện tái lập tỉnh trong thời điểm khó khăn ấy lại giúp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn sáng lên niềm tin và động lực tinh thần to lớn để vươn lên. Đội ngũ các thầy cô giáo, thầy thuốc, cán bộ đảng, chính quyền... đến các chiến sĩ bộ đội, công an trèo đèo, lội suối, bám trụ trên những ngôi làng heo hút, những địa bàn xa xôi để đồng hành cùng Nhân dân, bảo vệ xóm làng, xây dựng cuộc sống mới. Họ đã góp phần biến những điều không thể thành có thể, để đến nay, sau 25 năm nhìn lại chúng ta mới thấy Bắc Kạn đã đi những bước thật dài và kỳ diệu.

Từ một tỉnh chỉ có 5 huyện và 1 thị xã; năm 1998 và năm 2003 Chính phủ cho thành lập thêm hai huyện Chợ Mới và Pác Nặm, đến nay đã có 8 huyện, thành phố với 108 xã, phường, thị trấn. Diện mạo nông thôn đến đô thị đã thay da đổi thịt rất nhiều. Giao thông, đô thị từng bước được quy hoạch, mở mang; trụ sở công quyền, trường học, bệnh viện, đường làng ngõ xóm cho tới các thiết chế cơ sở vật chất ở thôn, xã cũng được đầu tư ngày một khang trang, hoàn chỉnh. Điều quan trọng trong những năm qua là chúng ta đã đào tạo nên một thế hệ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, trẻ trung, năng động. Đồng thời sử dụng khá hiệu quả các nguồn đầu tư từ Trung ương, kết hợp các yếu tố nội sinh và sự đồng thuận, hưởng ứng của mỗi người dân để tạo cho Bắc Kạn một sức sống mới, một khởi đầu thuận lợi.

Bức tranh toàn cảnh về tình hình của tỉnh sau hơn 9.000 ngày tái lập với đầy ắp sự kiện và để lại nhiều dấu ấn. Sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng dương liên tục trong 25 năm qua. Tuy không chiếm tỷ trọng lớn và đang giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo đúng định hướng phát triển, nhưng Nông nghiệp vẫn là ngành thế mạnh, trụ đỡ của nền kinh tế và là cứu cánh cho bà con nông dân. Nông nghiệp còn tạo sự phát triển bền vững cho địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Gần đây tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với các cơ chế hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, với 131 sản phẩm OCOP của tỉnh. Sản phẩm từ gỗ rừng trồng (FSC), cùng với xu thế khai thác phát triển các dịch vụ môi trường rừng đặc biệt là dịch vụ đồng hóa cacbon do môi trường rừng đem lại sẽ mở ra cơ hội cho người nông dân sống sung túc hơn. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường bằng các chủ trương, kế hoạch và tạo thành phong trào bảo vệ chăm sóc, phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nhu cầu tự giác của mỗi người dân trong tỉnh.

Bây giờ, nghĩ lại cảm xúc rưng rưng của người dân hai huyện Ba Bể, Pác Nặm và nhiều xã khi có điện lưới; người già đến trẻ em cả đêm thao thức ngập tràn trong ánh sáng của dòng điện ví như ánh sáng của Đảng vậy. Rồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển; máy móc giải phóng bao nhiêu cho sức người, sức trâu, bò; lại còn được xem tivi màu đủ các kênh nữa. Người dân vui mừng khi nhiều tuyến đường mới đang được khẩn trương xây dựng, nhiều doanh nghiệp hoạt động mới và tái khởi động, dần phá đi sự đìu hiu, buồn tẻ của lĩnh vực phát triển công nghiệp những năm qua. Tọa lạc giữa trung tâm thành phố là Siêu thị Vincom Plaza - Thiên đường mua sắm, giải trí và ẩm thực cao cấp; hồ Nặm Cắt và sông Cầu được chỉnh trang sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách đến với thành phố. Cùng với đó là các địa danh lịch sử, văn hoá như ATK Chợ Đồn, hồ Ba Bể… kết nối với các điểm kinh tế như cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), Pò Mã (Lạng Sơn) và thông thương đi quốc tế. Bắc Kạn sẽ dần trở thành điểm giao thoa, kết nối với các tỉnh trong khu vực.

Những năm qua, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, làm suy giảm đà tăng trưởng kinh tế, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, giao thông, chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trong khó khăn thách thức cũng tạo ra nhiều cơ hội để chúng ta nỗ lực vượt qua như: Phát triển giao dịch điện tử, chuyển đổi số, làm việc, học tập, trao đổi, kinh doanh qua mạng internet…  Dấu ấn của những đổi thay còn từ những điều không thể đo đếm được, đó là dù gian khó đến đâu, người dân vẫn một lòng, một dạ theo Đảng. Giờ đây câu nói “Ý Đảng, lòng Dân”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, về sự nêu gương của người đứng đầu lại được mọi người nhắc đến như một thôi thúc trong tâm khảm.

Thành tựu của quê hương sau 25 năm tái thành lập tỉnh thật khó có thể kể hết được trong phạm vi một bài viết. Mọi người khi về với Bắc Kạn hôm nay đều phải ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ của quê hương cách mạng này. Đó là điện, đường, trường, trạm, là văn hóa - xã hội, là quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nông nghiệp sạch, du lịch, giáo dục - y tế, văn hóa, thể thao, thông tin; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người khuyết tật... Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng gần 40 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng trên năm, tuy vẫn ở nhóm các tỉnh có thu nhập thấp nhất cả nước nhưng khoảng cách đã kéo gần hơn so với thu nhập bình quân chung của cả nước (hiện bằng 62% và so với khi tái lập tỉnh chỉ bằng 25%). Bắc Kạn giờ đây đã có trường chuyên được xếp vào hạng khá trong cả nước, có học sinh được giải quốc gia, lại được tranh giải tuần, tháng của Cuộc thi Đường lên đỉnh OLYMPIA; được giải xuất sắc (*) dành cho đạo diễn phim tài liệu Quốc tế, được làm bối cảnh cho phim trường thế giới... Nhiều người lâu không về quê đã phải ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của quê mình. Niềm vui tuy nhỏ nhưng nó được chắt chiu, nuôi dưỡng, ấp ủ và tỏa sáng, làm mỗi chúng ta thêm ấm lòng.

Nhìn lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn có quyền tự hào trước diện mạo ngày càng đổi mới của quê hương. Tuy nhiên, người dân cũng còn không ít băn khoăn, trăn trở về tương lai, tiềm năng và hướng phát triển bền vững của tỉnh, nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ như sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập, tiến bộ và công bằng xã hội vẫn cần được kiên tâm phấn đấu thực hiện. Người dân mong mỏi cán bộ nâng cao trình độ, thái độ trước công việc; không ít người dân dường như vẫn còn tâm lý muốn níu giữ cái nghèo để được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần có khá hơn nhưng "đất lành chim vẫn chưa muốn đậu"; phải chăng Bắc Kạn vẫn còn thiếu sức hấp dẫn và môi trường chưa thực sự thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư. Độ che phủ rừng tuy cao nhất cả nước, chiếm trên 73,4% nhưng giá trị mang lại từ rừng cho người dân chưa tương xứng để họ yên tâm sống với rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Sự liên kết “4-5 nhà”, nhất là giữa người dân với doanh nghiệp vẫn thiếu và lỏng lẻo; liên doanh, liên kết vẫn thiếu cả niềm tin và gắn kết pháp lý. Hồ Ba Bể tuy đẹp như một nàng tiên nhưng vẫn chưa được "đánh thức". Thu nhập bình quân đầu người có tăng cao nhưng Bắc Kạn vẫn là một tỉnh nghèo so với cả nước, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; thu ngân sách tuy cao nhưng so với nhu cầu chi trên địa bàn còn thấp, nguồn thu thiếu ổn định. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, việc đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể; công tác quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy đã có nhiều cố gắng nhưng có mặt chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Những yếu tố trên đang là những trở lực, thách thức để chúng ta phải quyết tâm vượt lên chính mình, nỗ lực, đoàn kết vượt qua.

Nhìn lại quãng đường đã đi chúng ta vẫn cảm nhận rõ sự gian khó, nhọc nhằn và vị mặn chát của những giọt mồ hôi, nước mắt để gặt hái được kết quả tốt đẹp hôm nay. Tuy vẫn còn bao thách thức nhất là những diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh trong những ngày cận kề bước sang năm mới, đòi hỏi mỗi chúng ta lại phải kiên tâm, bền chí hơn, với khát vọng vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu để vượt qua được chính mình.

 Chặng đường 25 năm đoàn kết, đổi mới, xây dựng và trưởng thành ở độ tuổi 25 tràn đầy sinh lực sẽ là hành trang để chúng ta vững bước đi lên. Một mùa xuân mới lại về, xua đi những giá băng, rét mướt, cây cối đâm chồi, nảy lộc, tạo thêm sức sống mãnh liệt và niềm tự hào để chúng ta vững bước trên những chặng đường mới đầy vinh quang./.

Hoàng Nam

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 (*) Đạo diễn Hà Lệ Diễm, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, được giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” ở hạng mục "Tranh giải quốc tế" dành cho phim đầu tay, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam tháng 11/2021.

Xem thêm