Na Rì: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo và sự đa dạng về vốn văn hóa, huyện Na Rì đang tập trung bảo tồn, gìn giữ và từng bước đầu tư, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Những tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Nhân dân các dân tộc huyện Na Rì luôn lưu giữ những giá trị lịch sử, nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán của dân tộc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Hát Then, sli, lượn, Páo dung, nghi lễ cấp sắc, kỳ yên... Các lễ hội văn hóa dân gian như: Chợ tình Xuân Dương, Hội lồng tồng xã Sơn Thành; Hội cầu mùa của dân tộc Dao thôn Nà Thác xã Đổng Xá; Hội xuân đồng bào Mông, thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng luôn được bảo tồn, gìn giữ.

Hiện huyện có danh lam thắng cảnh động Nàng Tiên (thị trấn Yến Lạc) được Bộ Văn hoá - Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1999. Với vẻ đẹp huyền ảo, nguyên sơ cùng những trầm tích được tạo thành qua thời gian, bao bọc bởi những bức thành đá hàng triệu năm tuổi. Những phiến đá đủ hình dáng, khung cảnh huyền ảo, gắn liền với sự tích dân gian. Động Nàng Tiên đã dần được đầu tư về đường giao thông, ô tô có thể đi lại dễ dàng, hàng trăm bậc thang được xây kiên cố vào đến cửa hang; khu vực cửa động có người trông coi, giữ chìa khóa mở cửa khi có du khách đến thăm. 

 Ngoài ra, huyện có nhiều điểm như: hồ Khuổi Khe, thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư có diện tích mặt nước hơn 30ha, xung quanh hồ là những vạt rừng quế, mỡ, chè, mặt hồ soi bóng màu xanh biếc của núi rừng; thác Nà Đăng, xã Sơn Thành; động Lũng Danh, xã Liêm Thủy…

Na Rì: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch ảnh 1
 
Động Nàng Tiên được xếp hạng Di tích cấp quốc gia
Động Nàng Tiên được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1999.

Bên cạnh đó, Na Rì còn có nhiều di tích lịch sử quan trọng để tham quan, tìm hiểu như: Di tích Pò Kép ở xã Văn Vũ, nơi đồng chí Phùng Chí Kiên mưu trí vượt vòng vây địch; Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương, nơi thực dân Pháp đặt châu lỵ Na Rì; thôn Nà Hán, xã Văn Minh, nơi thành lập Huyện ủy và chính quyền cách mạng Na Rì những năm 1945 - 1947… Na Rì cũng có lợi thế, giáp với các huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), Bình Gia (Lạng Sơn)… Với hệ thống giao thông được đầu tư mở mới, nâng cấp từ tuyến huyện đến xã, thôn bản, thuận lợi thúc đẩy giao thương.

Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, những năm qua, việc khai thác tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa được như mong muốn. Việc đầu tư và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch chưa hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, chưa thu hút được nhiều khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan...

Cụ thể hóa nghị quyết về phát triển du lịch vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển Du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa, lịch sử của địa phương. Về đầu tư du lịch, Na Rì đã và đang tiếp tục rà soát, đề nghị xếp hạng, công nhận các tài nguyên vật thể, phi vật thể có tiềm năng, định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đầu tư, khai thác tại các địa điểm có tiềm năng để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, trong đó, chú trọng du lịch cộng đồng ở các xã nông thôn mới.

Tích cực mở lớp hát then-đàn tính nhằm lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương
Tích cực mở lớp hát Then - đàn Tính nhằm lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.

Hiện nay, Na Rì đã và đang tích cực triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch như: Phát triển các sản phẩm du lịch thắng cảnh, các lễ hội văn hóa dân gian; tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số; nghề truyền thống như: Đan lát, mộc, dệt thổ cẩm, may, thêu trang phục dân tộc, làm nhạc cụ; các làn điệu dân ca, dân vũ như: Hát Then - đàn Tính, sli, lượn, múa khèn…; các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm thiên nhiên... Từ nay đến năm 2025, Na Rì tập trung đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí và giao lưu văn hóa ẩm thực “Chợ đêm” tại khu phố A thị trấn Yến Lạc; xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái hồ Khuổi Khe và giao lưu văn hóa ẩm thực của đồng bào Dao tại thôn Khuổi Ít; bảo tồn và phục dựng lại Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày tại xã Sơn Thành; Lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao xã Đổng Xá; Hội xuân của dân tộc Mông xã Lương Thượng; Chợ tình Xuân Dương của dân tộc Nùng xã Xuân Dương; xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm OCOP tại xã Côn Minh...

Ông Lương Thanh Luyện- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết: Thời gian qua, huyện Na Rì đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, bậc lối đi, lan can, nhà điều hành, nhà thắp hương tại động Nàng Tiên; đầu tư không gian văn hóa phố đi bộ, chợ đêm tại Phố A, thị trấn Yến Lạc gồm: Sân khấu cho hoạt động văn hóa, hệ thống đèn trang trí, đèn chiếu sáng, các điểm nhấn trang trí; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ văn hóa cơ sở, các nghệ nhân dân gian và nhiều lớp hát Then - đàn Tính… Thời gian tiếp theo huyện sẽ đầu tư điểm du lịch hồ Khuổi Khe với một số hạ tầng sân bãi, nhà điều hành, bến thuyền và các hạ tầng phục vụ khác; đầu tư hạ tầng lễ hội truyền thống ở các địa phương, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn kêu gọi đầu tư; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: Nhà nghỉ, nhà hàng, dịch vụ giải trí, các điểm check-in…

Bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn tham gia làm việc trực tiếp, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể, mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Đây là một trong những hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Na Rì kỳ vọng phát triển bền vững./.

Tùng Vân

Xem thêm