Văn nghệ sĩ với niềm tự hào về quê hương, đất nước

Mùa thu tháng Chín, trên những con đường, ngõ xóm phấp phới cờ đỏ tung bay, màu cờ như thắp lên trong tim mỗi người ngọn lửa về niềm tự hào dân tộc và dấu mốc lịch sử ngày 02/9. Theo dòng cảm xúc đó, các văn nghệ sĩ Bắc Kạn đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật hướng về quê hương, đất nước.

Đổi mới trên quê hương trong tác phẩm ảnh “Cầu bản em”của tác giả Ngô Đức Mích.
Đổi mới trên quê hương trong tác phẩm ảnh “Cầu bản em” của tác giả Ngô Đức Mích.

Chủ đề hướng về quê hương, niềm tự hào dân tộc luôn đem đến những cảm xúc mạnh mẽ cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là khi tháng 9 lịch sử đến, nhiều tác phẩm về “Tết độc lập” đã được viết nên. Cố nhạc sĩ Hạ Sơn- người đã từng có thời gian tham gia quân ngũ đã sáng tác bài hát “Đất nước ngày khai sinh”, đây tác phẩm tiêu biểu của tỉnh ta hướng về Quốc khánh 02/9. Ngay từ phần mở đầu ca khúc “Đất nước ngày khai sinh” đã gây ấn tượng với người nghe khi sử dụng câu nói vô cùng thân thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Từ đây người nghe đã dâng trào xúc động khi nhớ về thời khắc thiêng liêng hào hùng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau câu hỏi ấm áp đó, muôn triệu trái tim cùng nhịp đập giữa “biển người” đồng thanh đáp lời. Ca khúc đã vẽ nên bức tranh có ánh nắng của trời thu, có cờ đỏ bay phấp phới như nhuộm đỏ cả non sông… Sau những câu hát hồi tưởng lại lịch sử, tác giả không quên nhắc nhở về năm tháng đất nước bị “ngoại xâm xâu xé”, Nhân dân khổ cực muốn vùng lên. Lúc này, một tay Bác Hồ “chèo lái”, vì dân vì nước mong hai chữ tự do. Giữa ngày hội non sông, lời Bác Hồ ấm áp, tuyên ngôn độc lập vang vọng mãi đến sau này. Có thể nói, bài hát thể hiện rõ niềm tin, lòng kính trọng và tình yêu lớn của tác giả dành cho Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu. Ca khúc “Đất nước ngày khai sinh” không chỉ hướng đến Quốc khánh 02/9 mà còn được Hạ Sơn gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa, đặc biệt là tới thế hệ trẻ.

Trong niềm hân hoan, tác giả Văn Lợi lại xúc động xen lẫn tự hào khi nhắc về “Mùa thu Tổ quốc”. Giữa trời thu nắng vàng, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình của quê hương ông lại rưng rưng khi: “Nhớ cha anh bao mùa thu không trở lại”. Có được hòa bình hôm nay, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã nằm xuống, để các em thơ hân hoan đến trường, để nắng vàng rót mật lên chồi xanh khỏe mạnh, thế nhưng các anh mãi mãi không thể trở về. Cùng trong tháng 9, Bác Hồ kính yêu đã “yên nghỉ mãi trong sắc lá vàng thu”, điều này được tác giả nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và thương tiếc…

“Rực trời cờ đỏ

Tôi dang tay        

Ôm mùa thu Tổ quốc

Giữa mùa thu tôi bước

Đất đỏ lá vàng bay

Hóa ngọn cờ Tổ quốc”

Những câu thơ cuối của tác phẩm “Mùa thu Tổ quốc” lại đưa độc giả đến một khung trời rực rỡ, hân hoan của hiện tại. Đón mùa thu, đâu đâu cũng phấp phới cờ đỏ, điều đó đã thể hiện sự trân trọng và tình yêu đất nước. Mùa thu của Tổ quốc là sự phát triển không ngừng, là xương máu cha ông, là hi vọng lớn lao được gửi lại. Chính vì vậy, dù ở đâu, trên mỗi bước đi đều có ngọn cờ Tổ quốc ở trong tim.

Với các tác giả thuộc chuyên ngành Nhiếp ảnh, lòng tự hào dân tộc được thể hiện qua những bức ảnh về quê hương, đất nước. Cùng với các tác phẩm lưu giữ nét đẹp của bà con vùng cao thì đổi thay tích cực của địa phương là chủ đề mà các tác giả tỉnh ta quan tâm. Thông qua ống kính nhiếp ảnh, những khung cảnh quen thuộc như khoác màu áo mới, đẹp đẽ và ý nghĩa. Nhờ những tác phẩm đó, người xem cảm nhận được đổi thay rõ nét của quê hương theo thời gian. Đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân cũng được nâng cao, hãy cùng chung tay, góp sức để quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc, đó là thông điệp chung mà các văn nghệ sĩ tỉnh ta mong muốn gửi đến công chúng./.

Bích Phượng