Chương trình OCOP tạo động lực phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 02 sản phẩm trở lên đạt 5 sao. Đẩy mạnh thực hiện chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) sẽ mở ra cơ hội phát triển sản phẩm, nhất là sản phẩm nông sản thế mạnh của Bắc Kạn.

Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.
Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 225 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phát triển theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng trồng cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt; vùng sản xuất lúa chất lượng cao; vùng sản xuất chè; vùng trồng dong riềng, nghệ, mơ... Đây là tiềm năng sẵn có để địa phương phát triển các sản phẩm đặc trưng có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, HTX như tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... để đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX như: Trà Như Cố, miến dong Tài Hoan, bí xanh thơm Ba Bể, gạo nếp Tài, tinh bột nghệ, ô mai mơ dẻo chua ngọt, Khẩu Nua Lếch, bún khô Hồng Luân... đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.

Nhờ có các HTX liên kết tiêu thụ nên sản phẩm quả mơ vàng của huyện Chợ Mới đã có thị trường tiêu thụ ổn định.
Nhờ có các HTX liên kết tiêu thụ nên sản phẩm quả mơ vàng của huyện Chợ Mới đã có thị trường tiêu thụ ổn định.

Xã Cao Kỳ là "thủ phủ" trồng cây mơ vàng của huyện Chợ Mới, với tổng diện tích 327ha, sản lượng đạt khoảng 1.200 tấn/năm. Hiện nay trên địa bàn xã đã thành lập các HTX đứng ra liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quả mơ và xuất đi thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí xuất khẩu sang Nhật Bản. Qua đó góp phần xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị kinh tế của quả mơ, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng mơ. Các sản phẩm được chế biến từ quả mơ như ô mai mơ dẻo chua ngọt, ô mai mơ gừng mặn ngọt của HTX Đoàn Kết đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ (Chợ Mới) cho biết: Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" đã mang lại những giá trị tích cực, tạo động lực phát triển sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương. Hiện nay, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và các HTX phát triển 60ha mơ canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch VietGAP để tạo vùng nguyên liệu có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đặc biệt đối với thị trường khó tính.

Miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên của tỉnh và được xuất khẩu, mở ra cơ hội lớn để HTX Tài Hoan (Na Rì) mở rộng liên kết xây dựng vùng trồng cây dong riềng chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến. HTX đã liên kết với 500 hộ dân trồng 70ha dong riềng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, bền vững.

Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản.
Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản.

"Khi tham gia Chương trình OCOP, HTX đã được hỗ trợ chuẩn hóa vùng nguyên liệu, máy móc sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, từ đó tạo niềm tin với người tiêu dùng. Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều, đủ điều kiện để bày bán tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn trong cả nước và xuất khẩu", chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết./.

Hà Thanh

Xem thêm