Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn tại thôn Chúa Lải

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta ưu tiên đầu tư, xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới tại thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới).

Hiện nay, thôn Chúa Lải có khoảng 7-9ha diện tích ao nuôi cá phục vụ khách du lịch đến địa phương trải nghiệm( trong ảnh mỗi năm gia đình anh Nông Văn Vũ thu hàng chục triệu đồng từ nuôi cá)

Hiện nay, thôn Chúa Lải có khoảng 7-9ha diện tích ao nuôi cá phục vụ khách du lịch đến địa phương trải nghiệm.

Mặc dù có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, song những năm qua, loại hình này trên địa bàn tỉnh ta chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển theo đúng định hướng. Theo đó, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú và mua sắm các sản phẩm đặc sản từ nông nghiệp, các sản phẩm thủ công tại các thôn, bản rất ít do chưa hình thành được các điểm du lịch nông thôn. Chính vì vậy, nguồn thu từ dịch vụ du lịch nông thôn của tỉnh ta thời gian qua chưa đáng kể, sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển một cách bài bản. Nhận thấy thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng.

Thôn Chúa Lải cách trung tâm huyện Chợ Mới khoảng 25km, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 15km. Thôn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 350ha. Trong đó: đất cấy lúa có 33,8ha; đất trồng màu 9,2ha; đất lâm nghiệp trên 300ha. Thôn có 105 hộ với 407 nhân khẩu gồm 05 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông cùng sinh sống. Đời sống kinh tế trong thôn của người dân chủ yếu là trồng lúa, ngô, trồng cây lâm nghiệp, nuôi cá... Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực lao động sản xuất, thu nhập bình quân năm 2020 đạt khoảng 34 triệu đồng/người/năm. Về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, hệ thống giao thông đến thôn khá thuận lợi, thôn hiện có 02km đường giao thông nông thôn, nội đồng, cơ bản đã được kiên cố hóa, thông thoáng sạch đẹp; có 01 sân thể thao, 01 nhà văn hóa hoạt động theo quy chế quản lý thiết chế văn hóa cơ sở và đã xây dựng thành lập đội bóng chuyền, đội văn nghệ.

Trong thôn còn giữ  được 12 nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, có công trình vệ sinh phục vụ gia đình tách rời với nhà ở. Chuồng trại chăn nuôi bố trí hợp lý, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan hợp vệ sinh, đủ dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội. Về bản sắc văn hóa, thôn Chúa Lải lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày, những dịp Tết, lễ người dân luôn mặc trang phục truyền thống; các làn điệu dân ca như hát Sli, lượn hiện được lưu giữ; các món ăn truyền thống của địa phương được duy trì...

Dọc hai tuyến đường đến thôn Chúa Lải được tô điểm những vạt hoa rực rỡ. Người dân hiện đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp như gặt lúa, trồng cây, câu cá...

Từ năm 2017 đến nay, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã đưa khách du lịch đến thôn trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục tập quán của người Tày, các nghề thủ công, trang phục truyền thống, cách chế biến các món ăn, các loại bánh... truyền thống của người Tày và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương; trực tiếp trải nghiệm cùng người dân chế biến những món ăn truyền thống và tự tay gói bánh chưng, giã bánh giầy, nặn bánh trôi, làm bánh tẻ..; trực tiếp cùng người dân đi cày, cấy và thu hoạch lúa, ngô, trồng rau, câu cá dịch vụ tại hồ Nà Đon, hồ Tân Minh, đan lát một số vật dụng trong gia đình... Trong thôn đã thành lập Tổ hợp tác thủy sản để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, sản xuất, du lịch, nhiều hộ gia đình đã chỉnh trang và xây dựng nhà cửa để đón tiếp khách.

Trên địa bàn tỉnh, còn rất nhiều những khu dân cư, làng bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như Chúa Lải để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sẽ đầu tư khoảng 9,6 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho thôn. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; chế biến các món ăn... Từ mô hình này sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá về mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp trên các kênh thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, Bắc Kạn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về các tour liên kết với điểm du lịch nông thôn cho các công ty, đơn vị lữ hành.

Việc xây dựng mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mà còn từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật, chất kỹ thuật đồng bộ, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân./.

LD

Xem thêm