Thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa Ngân Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, huyện Ngân Sơn đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ với mục tiêu sớm thoát khỏi huyện nghèo, khó khăn của tỉnh.

Trung tâm huyện Ngân Sơn thuộc xã Vân Tùng đang thực hiện hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xã Vân Tùng đang hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phát huy nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế

Huyện Ngân Sơn đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng lương thực ổn định ở mức 17.500 tấn/năm; trồng mới 100ha cây dẻ; lúa Khẩu Nua Lếch 100ha/năm; mỗi năm trồng 350ha rừng; phát triển đàn đại gia súc 12.500 con, đàn lợn 25.000 con; có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới khoảng 75km đường giao thông, 70% số thôn có mặt đường cứng hóa; thu ngân sách đạt 20 tỷ đồng; xây dựng thêm 05 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% các xã có nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới; giải quyết việc làm mới cho 2.000 người, 1.250 người được đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,5 - 4%/năm…

Để phát triển nhanh và mang tính bền vững, huyện Ngân Sơn vừa ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng xã, thị trấn, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm cho du lịch cộng đồng… Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trong giai đoạn này gần 15 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Đề án dự kiến từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa; nguồn vốn lồng ghép các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hợp pháp khác.

Các tiềm năng được huyện khảo sát, đánh giá và mang tính khả thi cao đã được đưa vào đề án, dự án để triển khai trong thời gian tới, như: Thác Nà Khoang ở chân đèo Gió với diện tích hơn 10ha, có hệ thống thác nước tầng, chiều dài gần 1.000m; hồ Bản Chang, xã Đức Vân với diện tích mặt hồ rộng hơn 40ha, có nhiều hệ thực vật, động vật, phù hợp phát triển du lịch sinh thái và nhiều điểm di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận.

Giải pháp phát triển

Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo bước phát triển về kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết những khó khăn, hạn chế, huyện Ngân Sơn đã đặt ra những giải pháp cụ thể như: Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước; tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương.

Giải pháp về nguồn lực mà huyện đặt ra trong giai đoạn này là tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong đó hằng năm dành ngân sách huyện kết hợp với huy động các nguồn vốn, nhất là kinh phí ngoài ngân sách. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh và địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đẩy mạnh lồng ghép thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với các chương trình, dự án, đề án khác. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm tham quan du lịch. Khuyến khích người dân đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, mặt bằng.

Đầu tư sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch, phát triển hợp tác xã, dịch vụ nông nghiệp, vùng sản xuất, sản phẩm OCOP gắn với nông sản, đặc sản địa phương. Tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Phối hợp tổ chức tập huấn cho người dân về tinh chế các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn. Phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Đồng chí Chu Thị Huyền- Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Là địa phương có truyền thống cách mạng, người dân cần cù, chịu khó, tinh thần đoàn kết cao là nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Từng bước xây dựng được vùng sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển các ngành dịch vụ và du lịch thành ngành kinh tế quan trọng góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Với những mục tiêu, giải pháp đã đặt ra, cả hệ thống chính trị của huyện đang nỗ lực sớm đưa Ngân Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo và từng bước phát triển./.

Văn Lạ

Xem thêm