Nâng cao nhận thức về chất thải nguy hại hộ gia đình

Trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, lượng chất thải nguy hại (CTNH) chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng rác thải sinh hoạt, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Công nhân môi trường thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Bắc Kạn.
Công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Bắc Kạn.

Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom trên địa bàn tỉnh khoảng 68,7 tấn/ngày, địa bàn nông thôn phát sinh khoảng 125,698 tấn/ngày. Tất cả lượng rác đều được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp. Rác thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu ở các khu chợ, trường học và khu dân cư tập trung.

Thực tế hiện nay, hầu hết các hộ gia đình thường không chú ý hoặc chưa nắm rõ về CTNH phát sinh trong sinh hoạt nên chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và phân loại, thu gom để tại những nơi đảm bảo không gây hại.

CTNH trong gia đình là các vật liệu có thể nổ, có độc tính, có tính ăn mòn hoặc gây phản ứng hóa học, như: Bóng đèn huỳnh quang, sơn, dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tẩy rửa, pin, dung môi, axít/kiềm... Mọi người có thể bị phơi nhiễm như tiếp xúc trực tiếp, hít vào hoặc nuốt phải với những chất độc trong khi sử dụng. Do đó, mỗi người cần xử lý cẩn thận để tránh tự làm mình bị nhiễm độc hoặc gây tổn hại đến môi trường bằng một số cách như: Để CTNH xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi; không để các loại rác thải này gần nhiệt và cần phải mang tới các địa điểm thu gom được phép lưu trữ và xử lý.

Việc bảo vệ môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách, mỗi cá nhân cũng cần có những hành động để góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế, có rất nhiều hành động nhỏ, thói quen giúp bảo vệ môi trường đơn giản chỉ cần mỗi chúng ta thay đổi là có thể góp phần tích cực để giúp môi trường xanh sạch hơn.

Theo đó, để hạn chế các CTNH trong gia đình, mỗi hộ gia đình cần lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa ít chất độc hại nhất đang có trên thị trường; nếu phải mua một sản phẩm có chứa chất độc hại thì chỉ nên mua đủ dùng.

Anh Đào Ngọc Thái, người dân phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cho biết: "Rác thải sinh hoạt đều được vợ chồng tôi chủ động phân loại thành từng túi nilon trước khi bỏ vào thùng rác theo quy định. Riêng đối với một số loại chất thải nguy hại như bóng điện huỳnh quang thay thế, chai, lọ, can đựng dầu nhớt, mỹ phẩm đã sử dụng hết, đều được gom lại để vào một vị trí riêng, chờ xe thu gom rác đến mới mang ra bàn giao cho công nhân môi trường, chứ không vứt lung tung, bừa bãi...".

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt trên toàn tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành thì mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, không xả rác bừa bãi, phân loại rác, để rác đúng nơi quy định.../.

Q.Đ

Xem thêm