Chợ Đồn: 25 năm một chặng đường phát triển

Xuất phát điểm của huyện Chợ Đồn từ khi mới tách tỉnh còn thấp, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, dịch vụ thương mại chậm phát triển. Vượt qua mọi khó khăn với sự đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà, Chợ Đồn hôm nay có những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

Trung tâm huyện lỵ huyện Chợ Đồn.
Trung tâm huyện lỵ huyện Chợ Đồn.

Vượt chặng đường gian khó

Nguyên là Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn thời kỳ tái lập tỉnh, đồng chí Nông Văn Kỉnh hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện vẫn còn rất nhớ những ký ức về quãng thời gian đương nhiệm. “Giống như nhiều địa phương khác, Chợ Đồn thời kỳ đó muôn vàn khó khăn. Cơ sở hạ tầng ngày đó thiếu và yếu, ngoài trục giao thông chính là đường tỉnh 257 (nay là QL 3B) và đường tỉnh 254 thì đường đến các xã vẫn chỉ là đường đất nhỏ hẹp, khoảng cách giữa các xã xa xôi, mỗi lần đi công tác rất vất vả. Trụ sở làm việc của Ủy ban huyện là nhà xây cấp IV; trường học nhiều nơi bằng tre nứa tạm bợ; trạm y tế một số xã chắp vá, hầu như các trạm chưa có bác sĩ. Huyện có 22 xã, thị trấn, đến năm 2000 mới có 8 xã có điện lưới quốc gia, những nơi không có điện thì phải dùng đèn dầu…”. Đồng chí Nông Văn Kỉnh bồi hồi nhớ lại.

Một số chỉ tiêu về kinh tế của huyện như: Thu ngân sách năm 1998 chỉ đạt hơn 2,7 tỷ đồng; tổng sản lượng quy ra thóc trên 15.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 50%. Hoạt động dịch vụ thương mại chưa phát triển, cả huyện mới có hơn 250 hộ đăng ký kinh doanh.

Nhận thức rõ những khó khăn và thử thách, Đảng bộ, chính quyền huyện Chợ Đồn đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân đoàn kết, ra sức phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 1996-2000 đã đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn này là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế nông - lâm - công nghiệp - dịch vụ, coi đây là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây mũi nhọn là chè, cây ăn quả, đưa tiến bộ kỹ thuật và sản xuất, thay thế dần các giống kém năng suất bằng các giống lúa, ngô lai cho năng suất cao. Qua đó tỷ lệ sử dụng giống lúa lai tăng từ 6% năm 1996 lên 32% trong vụ xuân năm 2000.

Sẵn có thế mạnh về tài nguyên rừng, huyện tập trung chỉ đạo tốt công tác trồng rừng gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 3 năm (1997 - 2000) toàn huyện đã trồng được gần 3.500ha rừng. Nhiều xưởng sản xuất, chế biến lâm sản hình thành, góp phần đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng dần có những chuyển biến. Trung tâm huyện lỵ đến các cụm xã cũng hình thành các hộ buôn bán nhỏ, lẻ, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn.

Đối mới sau 25 năm

Trải qua 25 năm xây dựng, giờ đây Chợ Đồn đã thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển đúng hướng với nông - lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ là chủ đạo. Bình quân thu nhập đầu người năm 2020 đạt 32 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách toàn huyện hết năm 2021 đạt 112 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần so với năm 1998. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 29.000 tấn, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 80%. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện, mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã cơ bản được nhựa hóa, cứng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương phát triển, thu hút đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 100 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động. Hệ thống trường lớp cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Công tác giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội nhận được sự quan tâm. Hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện sơ bộ còn 14,5% (tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được coi trọng, bộ máy chính quyền các cấp từng bước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững.

Huyện Chợ Đồn có thế mạnh về trồng rừng.
Huyện Chợ Đồn có thế mạnh về trồng rừng.

Đồng chí Ma Thị Na- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: “Qua 25 xây dựng và phát triển, huyện Chợ Đồn hôm nay đã khoác lên mình bộ áo mới. Ngày càng có nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc lên, đường giao thông được mở rộng, tạo thuận lợi trong việc đi lại giữa các thôn, xã. Trung tâm huyện lỵ hình thành các khu dân cư văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch. Hạ tầng khu vực nông thôn cũng được cải thiện nhờ sự kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm...".

Tự hào với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, kết hợp vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng NTM. Đặc biệt làt phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh về nông - lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch, đưa huyện nhà ngày càng phát triển./.

Thu Trang