"Tủ báo điện tử" đưa thông tin gần hơn đến người dân vùng cao

Sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động, "Tủ báo điện tử" do Đoàn Thanh niên xã Dương Phong (Bạch Thông) xây dựng đã thu hút đông đảo độc giả, đưa thông tin chính thống gần hơn với cán bộ, Nhân dân vùng cao. Đây cũng là cách từng bước để Dương Phong thực hiện chuyển đổi số.

Người dân xã Dương Phong được hướng dẫn sử dụng Tủ báo điện tử.
Người dân xã Dương Phong sử dụng "Tủ báo điện tử".

Có việc đến UBND xã giải quyết, Anh Hoàng Văn Dân, thôn Nà Coọng bị thu hút bởi "Tủ báo điện tử" đặt tại tiền sảnh trụ sở. Sau đôi phút được cán bộ xã giới thiệu, hướng dẫn, anh Dân có thể tự truy cập những trang báo, website trong "Tủ báo điện tử".

"Đơn giản, tiện lợi, chỉ cần dùng điện thoại thông minh check mã QR trên tủ báo là có thể truy cập nhiều trang báo, trang thông tin hữu ích của tỉnh. Mỗi lần lên facebook, zalo có nhiều thông tin nhiễu loạn, tin giả, tin độc tràn lan, chẳng biết đúng hay sai. Như gần đây, những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của bà con. Tìm đọc trên mạng xã hội tuy nhanh, có nhiều tin "hot" nhưng chưa được kiểm chứng, thiếu độ tin cậy, thậm chí có những tin "vịt" lừa đảo người đọc. Nhưng nay thông qua "Tủ báo điện tử" của Đoàn Thanh niên xã, giúp tôi cùng lúc biết đến nhiều trang báo chính thống", anh Hoàng Văn Dân chia sẻ.

Là công chức địa chính xã nên anh Bế Trọng Ngọc có nhu cầu tra cứu thông tin phục vụ công việc chuyên môn cũng như nắm bắt thông tin về thời sự, chính trị của tỉnh và đất nước. Với "Tủ báo điện tử", anh Ngọc càng thuận lợi hơn trong việc tìm địa chỉ các tờ báo điện tử, trang thông tin. Chỉ việc mở điện thoại tìm bấm vào mã QR đã lưu là dễ dàng tìm đọc Báo Nhân Dân, Báo Bắc Kạn, Trang thông tin điện tử của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh...

Anh Đinh Quang Khiết- Bí thư Đoàn Thanh niên xã Dương Phong, "kiến trúc sư" của "Tủ báo điện tử" chia sẻ: Trong thời đại bùng nổ thông tin thì người dân, trong đó có các bạn trẻ dễ sa vào ma trận thông tin xấu, độc. Với mong muốn đưa nguồn thông tin chính thống đến gần, nhanh hơn với người dân địa phương, qua những lần trao đổi, học hỏi bạn bè, tôi nảy ra ý tưởng tạo tủ sách trên môi trường điện tử. Nếu như tủ sách thường có sách, báo, thì "Tủ báo điện tử" là địa chỉ các trang báo, trang thông tin điện tử được mã hóa. Thay vì gõ tên miền để tìm các trang báo thì người dùng chỉ cần check mã QR có trên thiết bị điện tử của mình là dễ dàng đọc thông tin cần thiết.

Sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh lên đến 70 - 80% là những thuận lợi khi triển khai "Tủ báo điện tử" ở Dương Phong. Hiện "Tủ báo điện tử" của xã đã có đường link truy cập các trang báo điện tử như: Báo Nhân dân, Báo Bắc Kạn, Trang thông tin điện tử Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử huyện Bạch Thông, Trang thông tin điện tử Đoàn Thanh niên tỉnh và Cổng dịch vụ công tỉnh.

Anh Khiết cho biết thêm: "Chi phí để làm "Tủ báo điện tử" chỉ khoảng 1 triệu đồng, từ nguồn thực hiện cải cách hành chính của địa phương. Khi "Tủ báo điện tử" trở nên quen thuộc với đội ngũ cán bộ, công chức xã và bà con nhân dân, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo địa phương nhân rộng mô hình này ra các thôn, trước mắt là ở những thôn có đông dân cư, hạ tầng viễn thông tốt".

Đánh giá hiệu quả bước đầu của mô hình "Tủ báo điện tử" do Đoàn Thanh niên xây dựng, đồng chí Ma Văn Thời- Bí thư Đảng ủy xã Dương Phong cho biết: "Đây là cách làm hay, tốn ít kinh phí nhưng mang lại hiệu quả trong việc đưa thông tin đến với người dân thông qua môi trường mạng. Mô hình góp phần giúp xã từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử vì dân phục vụ"./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm