Cần tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ rừng sau giao khoán

Mới đây, tại xã Bản Thi (Chợ Đồn) phát hiện vụ chặt phá rừng trái phép. Nhưng điều đáng nói là diện tích rừng này đã giao cho cộng đồng các thôn và các hộ dân quản lý, bảo vệ, nhưng sau khi diện tích rừng này bị khai thác trái phép không được chủ rừng phát hiện, hoặc không báo với cơ quan chức năng. Vì vậy ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ rừng sau giao khoán.

Hiện trường vụ khai thác rừng trái phép tại thôn Phiêng Lằm
Hiện trường vụ khai thác rừng trái phép tại thôn Phiêng Lằm.

Chủ rừng không phát hiện rừng bị khai thác trái phép?

Xã Bản Thi hiện có trên 5.626ha rừng, trong đó trên 1.620ha rừng đặc dụng; trên 1.888ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Năm 2019, Ban Quản lý chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững huyện Chợ Đồn tổ chức giao khoán rừng phòng hộ giai đoạn 2019 - 2023 cho cộng đồng thôn và các hộ gia đình trên địa bàn xã Bản Thi. Sau khi tổ chức giao khoán quản lý, bảo vệ  rừng phòng hộ, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại đây giảm dần cả về tính chất, mức độ; tình hình quản lý, bảo vệ rừng được ổn định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng khai thác rừng trái phép tại khu vực bảo tồn, khu vực giáp ranh vẫn xảy ra. Điển hình mới đây, tại Bản Thi, đã xảy ra vụ phá rừng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ. Theo phản ánh của người dân, trong thời gian cuối năm 2021, tại khu vực giáp ranh thôn Phiêng Lằm và Bản Nhài, xã Bản Thi, có nhiều cây gỗ lớn bị cắt hạ, chủ yếu là cây dẻ, cây xoan mộc và một số cây gỗ nhiều năm tuổi khác. Khối lượng gỗ này được người khai thác trái phép vận chuyển theo đường mòn xuống Bản Cuôn, xã Ngọc Phái để tiêu thụ. Điều đáng nói là diện tích rừng này sau khi bị khai thác trái phép không được chủ rừng phát hiện, hoặc không được báo cáo cơ quan chức năng.

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, xã Bản Thi có 05 thôn có ranh giới tiếp giáp với rừng đặc dụng do Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc quản lý và 03 thôn nằm ngoài vùng đệm của Khu bảo tồn. Mặc dù đã được giao khoán bảo vệ, nhưng trong 03 năm trở lại đây, khu vực này vẫn có hiện tượng người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép với mục đích chủ yếu là sử dụng cho nhu cầu gia đình. Ngoài ra, tại khu vực giáp ranh giữa thôn Phiêng Lằm với thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái có hiện tượng khai thác ở khu vực rừng giáp ranh và vận chuyển sang xã Ngọc Phái. Cụ thể, cuối tháng 12/2021, Trạm Kiểm lâm Kéo Nàng, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc phát hiện tại khu vực thôn Phiêng Lằm, xã Bản Thi có 21 gốc cây rừng bị cắt hạ, khối lượng gỗ phần lớn đã đem đi khỏi hiện trường gốc chặt. Kiểm tra tại khu vực ven rừng có 72 khúc gỗ tròn nhóm V đến nhóm VIII, khối lượng gần 2m3. Đầu tháng 01/2022, phối hợp mở rộng kiểm tra (khoảng 200ha rừng), Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc phát hiện trên 16 lô rừng, trong đó có 14 lô rừng quy hoạch rừng phòng hộ, diện tích 57,83ha có 122 cây rừng bị cắt hạ (bao gồm cả 21 cây đã phát hiện trong đợt kiểm tra trước đó), tổng khối lượng 31,840m3. Phần lớn trong số đó đã bị đưa ra khỏi rừng.

Trước sự việc trên, mới đây, Công an huyện Chợ Đồn phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, UBND xã Bản Thi mời gọi 16 người là chủ rừng đã được giao khoán và những người có liên quan đến làm việc. Qua đấu tranh, bước đầu đã có một số người khai nhận được thực hiện hành vi cắt hạ một số cây gỗ trong các lô rừng kể trên. Hiện nay, Công an huyện Chợ Đồn đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường quản lý rừng sau giao khoán

Bên cạnh nguyên nhân dẫn tới việc khai thác rừng trái pháp luật tại Bản Thi là chủ rừng chưa chủ động trong kiểm tra, bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán, nên không phát hiện ngăn chặn kịp thời, hoặc báo cơ quan chức năng khi rừng bị xâm hại, còn do nhu cầu dùng gỗ rừng tự nhiên trong xây dựng nhà, nên một số chủ rừng còn cố tình khai thác trái phép và phát rừng tự nhiên để trồng rừng, nhưng khi phát hiện chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Do vậy, qua sự việc trên cho thấy, cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm đối tượng khai thác rừng trái phép tại Bản Thi, ngành Kiểm lâm và các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách khoán bảo vệ rừng, chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân./.

PV

Xem thêm