Bảo vệ đa dạng sinh học Khu cảnh quan Thác Giềng

Nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen khu vực Thác Giềng (phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn), năm 2019, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng và xây dựng các giải pháp quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, khai thác tiềm năng du lịch.

Lãnh đạo thành phố Bắc Kạn, lực lượng chức năng và người dân thôn Nặm Dất kiểm tra rừng nghiến cổ thụ trong khu cảnh quan.
Lãnh đạo thành phố Bắc Kạn, lực lượng chức năng và người dân thôn Nặm Dất kiểm tra rừng nghiến cổ thụ trong khu cảnh quan.

Bảo vệ đa dạng sinh học

Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng (còn gọi là rừng Nà Noọc) cách trung tâm thành phố Bắc Kạn gần 10km, cách Quốc lộ 3 khoảng 500m. Khu có diện tích 594ha, nằm tiếp giáp giữa phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) và xã Tân Sơn (Chợ Mới). Qua điều tra, khảo sát thực địa của nhiều chuyên gia cho thấy, khu rừng hiện còn 574 cây nghiến cổ thụ. Ngoài ra còn có nhiều cây gỗ quý hiếm như trai lý, lát hoa, thiên tuế… cùng các loài động vật hoang dã quý như: Rắn hổ mang chúa, tắc kè, cầy hương, khỉ mặt đỏ, mèo rừng,… Đặc biệt, đây là khu vực rất hiếm trong cả nước có rừng nghiến mà khoảng cách về vị trí địa lý gần trung tâm tỉnh lỵ.

Quyết định số 1094/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn nêu mục tiêu là bảo tồn và phát triển bền vững cảnh quan thiên nhiên có giá trị, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng và các loài động vật hoang dã quý hiếm; duy trì và bảo vệ giá trị môi trường, phát triển du lịch sinh thái, tăng thu nhập cho người dân sinh sống tại vùng đệm.

Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn được giao tổ chức quản lý Khu bảo vệ cảnh quan. Theo đó, Hạt Kiểm lâm đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn (Chợ Mới) bảo vệ trên diện tích 61ha và thành lập Tổ nhận khoán bảo vệ rừng gồm 9 thành viên thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng định kỳ 1 lần/tháng. 

Ông Đinh Tiến Toàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng được lực lượng chức năng, chính quyền phường Xuất Hóa và người dân khu vực này thực hiện hiệu quả, minh chứng là những năm gần đây không còn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật”.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Đi đôi với những giá trị đa dạng sinh học, Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển du lịch. Khu vực này có động Áng Toòng với hệ thống thạch nhũ đa dạng là kiệt tác nghệ thuật được tạo bởi tự nhiên. Động được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2013. Thác Nà Noọc nằm ở chân đèo Áng Toòng là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh với hệ thống thác nước tự nhiên kéo dài hơn 5km là địa điểm du lịch hấp dẫn. Khu vực còn có suối Nặm Dất và vực Xanh là các con suối từ những khe núi tự nhiên chảy về, với nguồn nước trong lành có thể tắm mát vào mùa hè.

Thác nước tự nhiên tại khu cảnh quan.
Thác nước tự nhiên tại khu cảnh quan.

Không chỉ tham quan, tận hưởng sự kỳ thú của tự nhiên, đến với khu vực này du khách còn được tìm hiểu những phong tục, tập quán đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao xã Tân Sơn, như: Dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô men lá, tắm lá thuốc…

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch, tại Quyết định số 1094/QĐ-UBND, tỉnh đưa ra các phương án xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2019-2025 thực hiện các dự án: Xây dựng tuyến giao thông kết nối thôn Nà Khu, rừng Nà Noọc với các khu vực khác, xây dựng khu dịch vụ, khu du lịch sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường; giai đoạn 2026-2030 thành lập vườn ươm nuôi cấy, duy trì và bảo tồn những nguồn gen thực vật quý hiếm.

Tuy nhiên đến nay, các dự án vẫn chưa thể thực hiện, do còn khó khăn vướng mắc. Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn, trước khi quy hoạch Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng, các hộ dân thôn Nặm Dất đã thực hiện đầu tư trồng rừng sản xuất trên diện tích rừng được giao quản lý. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường (là cơ quan tham mưu cho UBND) tỉnh phương án thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng phải đề xuất phương án giải quyết hợp lý đối với những diện tích rừng trồng của các hộ dân ở khu vực này, sau đó mới chuyển đổi mục đích sử dụng về rừng đặc dụng để quản lý và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và du lịch theo kế hoạch.

Với sự đa dạng sinh học và cảnh quan sẵn có, cộng với vị trí địa lý thuận lợi, Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng có tiềm năng rất lớn về bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch sinh thái. Việc thúc đẩy các dự án theo kế hoạch là cần thiết. Vậy, để bảo vệ tốt đa dạng sinh học đang có, sớm đưa cảnh quan Thác Giềng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cần có những giải pháp đồng bộ gắn công tác phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững./.

Đồng Lai

Xem thêm