Phòng chống tham nhũng: Chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm minh

Bài 4: Không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng

"Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử" đó là chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Xử lý nghiêm những vụ việc, vụ án tham nhũng

Cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa làm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vụ việc tham nhũng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng. Một số vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên, người có chức vụ đã được phát hiện, xử lý kịp thời được dư luận xã hội quan tâm.

Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Dương Thị Lan (thị trấn Chợ Rã, Ba Bể) mức án 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Dương Thị Lan, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) mức án 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Các cơ quan chức năng điều tra, giải quyết nhiều vụ án tham nhũng như: Vụ “Tham ô tài sản” tại Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bắc Kạn; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ngân Sơn; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Lâm trường Bạch Thông; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại ngân quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ba Bể…

Đồng chí Lường Đức Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: Ban Nội chính Tỉnh ủy luôn bám sát chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo sát thực tế tình hình địa phương, đồng thời làm tốt công tác nghiệp vụ, bám sát tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời tổ chức kiểm tra, giám sát về công tác PCTN; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; xác minh, nắm tình hình qua xử lý đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, qua thông tin báo chí, đường dây nóng, dư luận Nhân dân... để phát hiện và tham mưu biện pháp giải quyết các vụ án tham nhũng và các hành vi "tham nhũng vặt".

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, kinh tế trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ở cấp tỉnh, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật xin ý kiến xử lý đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo theo quy định của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý án và bảo vệ Đảng và Chỉ thị số 26-CT/TW, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đều kịp thời xem xét, cho chủ trương giải quyết và được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện theo quy định, khi có báo cáo, các cấp ủy đều cho ý kiến chỉ đạo xử lý. Trên cơ sở đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, công tác PCTN tại địa phương.

Trong 5 năm qua, có 07 vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo; Ban Nội chính Tỉnh ủy lựa chọn, đưa vào diện theo dõi, đôn đốc 55 vụ án, vụ việc và thường xuyên nắm tình hình, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, đôn đốc khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng.

Không có "vùng cấm"

Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Thực hiện chủ trương, tinh thần của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành phải quyết liệt trong công tác PCTN với quan điểm là lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách; không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử…

Để đẩy mạnh công tác PCTN trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Trung ương về PCTN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức PCTN cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCTN.

Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về quy hoạch, các cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, kết quả giải quyết đơn thư; thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách, tài sản công, kinh phí chi tiêu nội bộ, các chính sách an sinh xã hội, thi đua khen thưởng…, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân được tham gia giám sát việc triển khai thực hiện. Công khai, dân chủ trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.

Nâng cao chất lượng việc kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai tài sản... đảm bảo việc kê khai tài sản được thực hiện nghiêm túc, thực chất theo đúng tinh thần Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác PCTN. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi, vi phạm về tham nhũng. Người đứng đầu cấp ủy; thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác PCTN của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chủ động kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng; xây dựng các cơ chế, chính sách để bảo vệ và tôn vinh những tập thể, cá nhân phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng...

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tin tưởng rằng công tác PCTN trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, mang lại nhiều hơn nữa niềm tin trong Nhân dân trên con đường phát triển đất nước cũng như xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp./. (Hết)

N.V

Xem thêm