An toàn thực phẩm

Vụ ngộ độc tại Trường THPT Chuyên Bắc Kạn do ăn phải thực phẩm nhiễm tụ cầu khuẩn

Trước đó, vào hồi 10 giờ 15 phút ngày 15/11/2021, tại Trường THPT Chuyên Bắc Kạn xảy ra vụ ngộ thực phẩm, do cơ sở phục vụ ăn sáng Hoa béo – Cơm sinh viên, bán tại cổng trường học.

Lấy mẫu xét nghiệm
Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố xác minh vụ việc.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn cử cán bộ Khoa dinh dưỡng và ATVSTP trực tiếp đến điều tra vụ ngộ độc thực phẩm. Qua điều tra, số học sinh ăn cơm rang thập cẩm là 28 học sinh, sau ăn khoảng 1-2 giờ, 28 học sinh đều biểu hiện các triệu chứng thấy chóng mặt, buồn nôn và nôn, kèm theo đau bụng và tiêu chảy. Trong đó có 03 học sinh đã được người nhà đưa đi điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố; 08 học sinh được theo dõi tại phòng y tế của trường; 09 học sinh sau khi nôn, thấy sức khỏe bình thường tiếp tục lên lớp học; 08 học sinh được gia đình đưa về nhà theo dõi. Hiện tại sức khỏe các em đã ổn định.

Cán bộ Khoa Xét nghiệm của Trung Y tế thành phố đã lấy mẫu cơm rang thập cẩm, ruốc, xúc xích, dưa muối, cà rốt, nước máy và mẫu bệnh phẩm gửi tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân.

Đến ngày 23/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm, nguyên nhân do 28 học sinh nhiễm tụ cầu khuẩn (S.aureus) có trong ruốc thịt gà và cơm rang thập cẩm.

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong trường học để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, tất cả mọi người cần thực hiện một số nội dung sau:

Đối với cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tuân thủ quy trình giao, nhận, kiểm thực 03 bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa dễ bùng phát dịch bệnh.

Nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Cụ thể, các em học sinh cần rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức vệ sinh môi trường tại trường học, ăn chín, uống chín, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các nhà trường phải đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của học sinh...

Nhà trường phối hợp với ngành Y tế địa phương và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trên địa bàn tỉnh./.

Trường Phúc (Phòng Quản lý ATVSTP - Sở Y tế Bắc Kạn)

Xem thêm