Phòng, chống tác hại của rượu bia

Tác động của rượu, bia tới khả năng mắc ung thư

Hiện nay, các nghiên cứu và phân tích trên thế giới tiếp tục cho thấy sử dụng rượu, bia nhiều là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật và chấn thương khác, đặc biệt rượu, bia chính là 1 trong 15 yếu tố gây ung thư.

Bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người bệnh.
Bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người bệnh.

Tổ chức Nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư đã xếp rượu, bia vào nhóm chất gây ung thư. Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 77% nam giới trưởng thành ở Việt Nam có sử dụng rượu, bia; cứ 100.000 nam giới của Việt Nam thì có 39 người mắc ung thư gan, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mông Cổ và Ai Cập. Đây là con số hết sức báo động.

Các nghiên cứu cho thấy người uống rượu, dù uống ở mức độ nào cũng có thể gây nguy cơ ung thư, không chỉ ung thư gan mà còn cả những loại ung thư khác như khoang miệng, thanh quản, vòm họng, thanh quản, đại trực tràng, mật,…

Thực tế cho thấy, uống rượu, bia không có mức độ nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy nguy cơ với sức khỏe tăng rõ rệt nếu một người uống trên hai đơn vị cồn trong một ngày và trên 5 ngày trong một tuần. Tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) và ngay với liều nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần,...).

Các nghiên cứu đã dẫn chứng cụ thể một số tác động của rượu, bia tới khả năng mắc ung thư như sau:

Rượu, bia làm tổn thương mô cơ thể: Rượu hoạt động như một chất kích thích, đặc biệt ở khoang miệng và hầu họng. Các tế bào bị tổn thương do rượu, cố gắng tự sửa chữa, điều này có thể làm biến đổi các DNA và đây chính là một bước quan trọng có thể tiến tới ung thư. Rượu cũng làm tổn thương các tế bào gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan và khi các tế bào gan sửa chữa cũng có thể tạo ra các DNA lỗi có thể gây ung thư;

Một số loại vi khuẩn bình thường sống ở đại trực tràng có thể chuyển hóa rượu thành một lượng lớn acetaldehyde - một chất đã được chứng minh gây ra ung thư trên động vật thực nghiệm;

Rượu tác động hiệp đồng với các hóa chất độc hại khác: Rượu có thể tạo điều kiện cho các hóa chất độc hại (có nhiều trong khói thuốc lá) thâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào lót ở đường tiêu hóa trên. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ mắc ung thư vùng miệng họng ở những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu cao hơn hẳn những người chỉ hút thuốc hoặc chỉ uống rượu. Trong một số trường hợp khác thì rượu làm giảm khả năng phá hủy và giải phóng các hóa chất độc hại đó ra khỏi cơ thể;

Rượu ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ folate hay một số chất dinh dưỡng khác- folate là một loại vitamin B cần thiết cho cơ thể. Việc giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng có thể trở nên kém hơn ở những người nghiện rượu nặng. Lượng folate giảm thấp có thể đóng vai trò là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và đại trực tràng; uống rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen - một hormon quan trọng trong việc phát triển nhu mô tuyến vú. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú tăng cao;

Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây viêm gan, xơ gan và suy gan. Nó cũng có thể làm tổn thương tụy, não và có thể tăng huyết áp, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ở phụ nữ mang thai, nghiện rượu có thể gây dị tật thai nhi.

Để phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo hạn chế lượng rượu tiêu thụ vào cơ thể: Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu (1 đơn vị uống tương đương với 1 cốc bia 5% (350ml) hoặc 1 ly rượu vang 12% (150ml) hoặc 1 ly rượu mạnh 40% (44ml)) và nữ giới không uống quá 1 đơn vị rượu. Khuyến cáo lượng rượu tiêu thụ ở nữ giới thấp hơn bởi nhìn chung cơ thể nữ giới nhỏ hơn nam giới và sự đào thải rượu ở nữ giới thường diễn ra chậm hơn.

Một số nhóm người không sử dụng rượu, bia, bao gồm: Trẻ em và thiếu niên; những người không thể hạn chế uống rượu hoặc người đang trong giai đoạn hồi phục của chứng nghiện rượu; phụ nữ có thai; người phải lái xe hoặc vận hành máy móc; những người tham gia các hoạt động đòi hỏi sự chú ý, cần kỹ năng hoặc phối hợp hay trong các tình huống mà khả năng phán đoán kém có thể gây thương tích hoặc tử vong; những người dùng thuốc có tương tác với rượu; người đang có bệnh  gan, viêm tụy...

Nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống những nguy cơ bệnh tật do sử dụng rượu, bia, mỗi tổ chức, cá nhân cần tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020); thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Để đảm bảo sức khỏe mỗi chúng ta hãy cân nhắc trước mỗi ly rượu, bia; cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, sử dụng rượu, bia có văn hóa; sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho chính bản thân và gia đình./.

 Phương Thào

Xem thêm