Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong công tác dân số - KHHGĐ, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tuyên truyền công tác KHHGĐ cho người dân xã Cổ Linh (Pác Nặm)
Cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tuyên truyền công tác KHHGĐ cho người dân xã Cổ Linh (Pác Nặm).

Tăng cường truyền thông

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 11 vụ hôn nhân cận huyết thống và hơn 700 vụ tảo hôn, trong số đó có hơn 160 vụ cả vợ và chồng đều tảo hôn. Đa số trường hợp này diễn ra tại địa bàn các xã vùng cao, đối tượng là những em học sinh nữ dân tộc Mông, Dao độ tuổi từ 14 - 17, nam độ tuổi từ 16 - 19. Hậu quả từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm chất lượng dân số, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020" và giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai thực hiện Đề án, Chi cục Dân số - KHGĐ đã tham mưu phối hợp và chủ động triển khai công tác truyền thông giáo dục, trong đó chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân số phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Từ năm 2021 đến nay, Chi cục Dân số -KHHGĐ phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho 80 học sinh Trường THCS Quảng Chu (Chợ Mới). Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, giới và bình đẳng giới, lợi ích sử dụng các biện pháp tránh thai cho 130 thành viên Câu lạc bộ “Giới và Bình đẳng giới” và cán bộ hội viên, phụ nữ xã Phúc Lộc (Ba Bể). Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam và các văn bản của tỉnh về thực hiện công tác dân số, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho vị thành niên...

Qua triển khai, nhận thức và hành động của người dân về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chính sách dân số - KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con được chấp nhận ngày càng rộng rãi, tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống có chiều hướng giảm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ

Song song đẩy mạnh công tác truyền thông, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với những đóng góp trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội đối với sự phát triển của địa phương, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh cũng đạt được một số kết quả tích cực như: Tổng tỷ suất sinh có chiều hướng giảm; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận và áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại và các biện pháp tránh thai duy trì tốt, thực hiện tốt việc quản lý các phương tiện tránh thai. Quy mô dân số của tỉnh được giữ mức tương đối ổn định; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1%; tỷ suất sinh thô 11,2%; tỷ lệ phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 69,7%. Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, tổng số trẻ em sinh ra là 3.757, trong đó số bé trai là 2.050 trẻ; tỷ số giới tính khi sinh 120 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Tổng số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại là 17.458 người, đạt 100,3% kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KHHGĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp một số hạn chế như: Mặc dù đã đạt được mức sinh thay thế nhưng mức sinh còn biến động khó lường. Các hoạt động truyền thông về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025” thông qua hình thức lồng ghép nên hiệu quả thấp. Nhận thức của một số người dân tộc thiểu số còn thấp, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và áp dụng biện pháp tránh thai nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao; tình trạng lấy chồng sớm, kết hôn cận huyết thống vẫn còn tồn tại dẫn đến cuộc sống người dân đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Ông Lèng Hoàng Thái Huân- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác dân số - KHGĐ, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và trình Sở Y tế ban hành kế hoạch giai đoạn. Tăng cường triển khai các hoạt động của những chương trình, đề án đã được Sở Y tế phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-SYT ngày 29/4/2022 đảm bảo hiệu quả, kịp tiến độ.

Tiếp tục thực hiện việc quản lý và cung ứng phương tiện tránh thai theo quy định, triển khai tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, xã hội hóa phương tiện tránh thai; duy trì thực hiện chế độ báo cáo phương tiện tránh thai qua hệ thống LMIS. Ban hành kế hoạch truyền thông về công tác dân số trên địa bàn tỉnh năm 2022, đẩy mạnh thực hiện lồng ghép tuyên truyền nội dung tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vào các hoạt động truyền thông trên cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại địa bàn có mức sinh cao tập trung người dân tộc thiểu số, đối tượng khó tiếp cận tại cơ sở, tăng cường hoạt động truyền thông thăm hộ gia đình, truyền thông nhóm nhỏ và tư vấn đối tượng./.

Việt Bắc

Xem thêm